02:09 11/02/2021

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh ưu tiên duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở

Ngày 10/2 (giờ Mỹ), tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nhậm chức.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN

Thông cáo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã gửi lời chúc mừng tới người dân Trung Quốc nhân dịp Tết nguyên đán truyền thống.

Tổng thống Biden khẳng định ưu tiên của ông là bảo vệ các lợi ích, an ninh, sức khỏe, lối sống, sự thịnh vượng và an toàn của người dân Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề Hong Kong, tình hình nhân quyền ở Tân Cương, cũng như vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). Tổng thống Biden nhấn mạnh ưu tiên của Mỹ là duy trì một khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương tự do và rộng mở.

Lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung đã trao đổi về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, những thách thức chung mà hai bên cùng đối mặt như an ninh y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí. Ông Biden cam kết theo đổi cách tiếp cận can dự thực tiễn và hiệu quả khi Mỹ thúc đẩy các lợi ích của người dân Mỹ và đồng minh của Washington.

Về phần mình, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Bắc Kinh và Washington nên tái lập các cơ chế đối thoại đa dạng để hiểu chính xác ý định chính sách của nhau, cũng như tránh những hiểu lầm và tính toán sai.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định khôi phục và thúc đẩy mối quan hệ Trung - Mỹ là bước phát triển quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế hơn nửa thế kỷ qua và hơn thế nữa. Ông nói thêm, bất chấp những khúc mắc và khó khăn, mối quan hệ này nhìn chung vẫn tiếp tục phát triển lên và mang lại những lợi ích to lớn cho người dân hai nước cũng như góp phần vào ổn định, hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh hai nước đều được lợi nếu cùng hợp tác và chịu nhiều tổn thất nếu lựa chọn sự đối đầu, do vậy, hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai bên.

Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước được đánh giá là bước đi "phá băng", sau khi quan hệ song phương xuống mức thấp nhất lịch sử dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ngay trước khi diễn ra cuộc điện đàm, Chính quyền của Tổng thống Biden thông báo sẽ xem xét cùng các đồng minh áp đặt "thêm các hạn chế nhắm vào những mục tiêu mới" trong hoạt động xuất khẩu công nghệ nhạy cảm với Trung Quốc.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền mới tại Mỹ ngày 10/2 cho biết nước này cũng không dỡ bỏ những loại thuế thương mại nhằm vào hàng hóa Trung Quốc được triển khai dưới thời Tổng thống Trump cho tới khi Washington tiến hành "đánh giá và tham vấn kỹ lưỡng" với các đồng minh.

Quan chức này nói: "Chúng tôi sẽ duy trì các loại thuế, trong khi tiến hành rà soát vì chúng tôi không muốn hành động vội vàng. Những chỉ trích của Tổng thống Biden nhằm vào chính sách của ông Trump không đồng nghĩa với việc ông ấy sẽ không cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Tuy nhiên, Tổng thống Biden sẽ không làm việc đó một mình mà còn cả phối hợp với các đồng minh".

Quan chức trên cho biết thêm hiện chưa có quyết định về thời điểm dỡ bỏ các loại thuế nhưng chính quyền mới nhận thấy có những lĩnh vực có thể "tiếp nối" từ các chính sách dưới thời Tổng thống Trump. Quan chức này nói thêm: "Một trong những lĩnh vực đó là bảo đảm rằng Mỹ không cung cấp công nghệ nhạy cảm cấp cao, có thể hỗ trợ phát triển các năng lực của quân đội Trung Quốc".

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng thống Biden thông báo quyết định thành lập nhóm chuyên trách đặc biệt của Bộ Quốc phòng về Trung Quốc, đồng thời yêu cầu đánh giá ngay lập tức cách tiếp cận chiến lược của quân đội với thách thức từ Bắc Kinh.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức