07:05 06/07/2011

Trông chờ một “phép màu” cho hạ tầng giao thông

Trong 5 năm (2011-2016), Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông và chống ngập.

Trong 5 năm (2011-2016), Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông và chống ngập. Đây là một trong những vấn đề trọng tâm mà chính quyền TP.HCM sẽ tập trung giải quyết. Người dân TP.HCM đang trông chờ một “phép màu” để giải quyết vấn nạn này.

Cầu, đường quá tải

Không phải bây giờ vấn đề giao thông, úng ngập mới được lãnh đạo TP tập trung giải quyết, mà từ những năm đầu thập kỷ 90, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về một thảm họa ùn tắc giao thông tại TP. Đặc biệt là thời điểm năm 2000, khi sự bùng nổ của phương tiện xe cá nhân, điển hình là phương tiện xe gắn máy liên tục tăng với cấp số nhân, đã đặt ra những thách thức cho chính quyền TP.HCM trong công tác quản lý đô thị. Cũng từ đó, tình trạng kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân, đồng thời cũng là rào cản con đường phát triển TP thành một đại đô thị.

TP.HCM cần rất nhiều những công trình như đường Phú Mỹ để giải phóng phương tiện khỏi nội đô.


TP.HCM hiện có hơn 4,6 triệu xe gắn máy và 400.000 xe ô tô, chưa kể 1 triệu xe gắn máy và 60.000 xe ô tô vãng lai. Những năm qua, TP đã cố gắng đẩy nhanh tốc độ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng vẫn không theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện, dẫn đến tình trạng diện tích mặt đường không đáp ứng đủ cho phương tiện lưu thông. Với 3.800 con đường, có tổng chiều dài hơn 3.500 km hiện nay, quỹ đất giao thông cũng chỉ đạt 5% (thấp so với tiêu chuẩn 22 - 24%) và với tốc độ phát triển phương tiện cá nhân như hiện nay (1.200 xe gắn máy và 110 xe ô tô mỗi ngày), sau một đêm, TP cần thêm đến 8.000 m2 mặt đường cho giao thông.

Quy hoạch giao thông không theo kịp đà phát triển, nhiều công trình, dự án quy mô không thể triển khai do nguồn vốn hạn hẹp đã đẩy giao thông TP vào tình trạng vá víu bằng các giải pháp tạm thời. TP hiện tại đã lên tới gần 10 triệu dân, đang gánh chịu những hậu quả về ùn tắc giao thông, ngập lụt và ô nhiễm môi trường. Nếu không có những biện pháp tích cực thì hậu quả sẽ là cực kỳ nghiêm trọng và việc hàng năm TP phải đổ hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước vào những giải pháp tình thế nhưng vẫn không mang lại hiệu quả là điều không tránh khỏi.

Kỳ vọng cơ chế mở

Vấn nạn bức bối về giao thông tại TP.HCM đã được Chính phủ quan tâm và đề ra các hướng giải quyết. Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM giữa tháng 3/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng đều nhận thấy việc giải bài toán giao thông bằng đầu tư phát triển hạ tầng, hạn chế phát triển xe cá nhân tại TP Hồ Chí Minh là cấp bách và cần thiết. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu rà soát quy hoạch, tính toán lại những chương trình, dự án với yêu cầu phải có tầm nhìn xa và đặc biệt phải có tính khả thi cao và có hiệu quả.

Theo Sở GTVT TP.HCM, để giải quyết bài toán giao thông, từ nay đến năm 2015, TP sẽ làm mới đưa vào sử dụng khoảng 210 km đường giao thông; mật độ đường giao thông đến năm 2015 sẽ đạt 1,87 km/km²; đến năm 2020 đạt 2,17 km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đến năm 2015 đạt 8,18%; đến năm 2020 đạt 12,2%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đến năm 2015 đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại; đến năm 2020 đáp ứng được 30% nhu cầu đi lại. Bên cạnh đó TP chú trọng đầu tư cải tạo các nút giao thông quan trọng như ngã tư Hàng Xanh, bùng binh Cây Gõ, vòng xoay Dân Chủ, Phú Lâm, An Lạc, Lăng Cha Cả, ngã tư An Sương, các nút giao trên đường Nguyễn Văn Linh…

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2020, TP sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng 50 cây cầu - đây là mục tiêu quan trọng mà TP hướng tới trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông. TP cũng cho phép nghiên cứu thực hiện một số tuyến đường có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt, tổ chức các tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn...

Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP, cho biết TP sẽ xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng Nhà nước tập trung vốn đầu tư cho giải phóng mặt bằng và có chế độ miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Các phương tiện vận tải hành khách công cộng khác như taxi, xe ôm cũng được khuyến khích phát triển ở mức độ hợp lý; ưu tiên phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện vận tải thủy thân thiện môi trường… Hiện Chính phủ đã cho TP áp dụng một số cơ chế quan trọng để tạo nguồn vốn cho các dự án hạ tầng từ hỗ trợ phát triển (vốn ODA), hợp tác công tư (public private partnership – PPP) bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách, xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT) cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Theo ông Quân, chính quyền TP sẽ ưu tiên cho hạ tầng giao thông đô thị nhằm giải quyết vấn đề nan giải liên quan đến ùn tắc giao thông, giảm thấp nhất các tai nạn giao thông, chống ngập nước, vì TP là một trong những đô thị chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu toàn cầu.

SĨ DŨNG