01:18 29/01/2017

Trọn đời với di sản văn hóa Hà Nội

Được khởi nguồn và phát triển hàng trăm năm qua, thậm chí có những lúc tưởng chừng như mai một nhưng với nỗ lực gìn giữ của cộng đồng, nhiều di sản văn hóa Hà Nội vẫn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống hiện nay. Trong đó, có sự đóng góp lớn của những người tâm huyết, dành trọn cả đời gìn giữ và phát huy di sản.

Say mê với di sản hội Gióng 

Vẫn như bao lần trước, ông Đinh Minh Tỉnh, Trưởng ban quản lý di tích đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) kể về lịch sử ngôi đền và lễ hội Gióng, cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này bằng sự say mê, nhiệt huyết. Dù chúng tôi hiểu rằng, đây là lần thứ hàng trăm thậm chí hàng nghìn khi ông nói về vấn đề này. 

Nghi lễ rước Ngựa Thánh Gióng tại Khu di tích đền Sóc. Ảnh: Quý Trung/TTXVNN

Với chất giọng hào sảng, ông cho hay, nhiều năm gắn bó với di tích đền Phù Đổng và hội Gióng, ông kỳ công tập hợp và lưu giữ nhiều bài thơ cổ về Thánh Gióng, sau đó, ông làm chủ biên xuất bản tập “Thơ Thánh Gióng”. Với vốn hiểu biết về di tích đền Phù Đổng và hội Gióng, ông Đinh Minh Tỉnh còn viết sách để thế hệ con cháu trong làng và nhiều người hiểu về các giá trị của di sản. Say đến độ nhiều lúc ông viết quên cả thời gian. Mất hơn 1 năm, cuốn sách “Đền Phù Đổng, di sản – di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt” hoàn thành, có sự tham gia biên soạn của một số cộng sự. 

Ở xã Phù Đổng này, để hiểu về các di sản này một cách tường tận, có lẽ này không ai hơn được ông. Hàng năm ông Đinh Minh Tỉnh trực tiếp giảng dạy cho các sinh viên trường Đại học Công nghệ và Kinh doanh về học ngoại khóa tại xã Phù Đổng về nghệ thuật quân sự của cha ông trong lịch sử. 

Ông nhẩm tính, đến nay ông tham gia giảng cho khoảng 9.000 sinh viên. Rồi hàng ngày, mỗi khi có du khách tới thăm, ông cùng các cụ trong ban quản lý kiêm luôn thuyết minh cho khách. Mặc dù chẳng qua trường lớp đào tạo nào nhưng với sự say mê giới thiệu, ông luôn hấp dẫn người nghe. 

Nhưng có lẽ, công tác chăm lo đến di tích và lễ hội Gióng được ông Đinh Minh Tỉnh quan tâm hơn cả. Không tiếc thời gian, công sức, ông cùng chính quyền xã Phù Đổng tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích, vận động nhân dân công đức cho quần thể di tích được khang trang hơn. 

Ông kể rằng, chuẩn bị cho lễ hội vào đầu tháng Tư âm lịch, ông cùng các cụ trong ban quản lý di tích và xã Phù Đổng phải họp bàn từ tháng Giêng, xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, chỉ đạo mọi người kiểm tra đạo cụ cho thực hành lễ, tìm ông Hiệu, công Tướng… để hội Gióng diễn ra an toàn, đúng nghi lễ truyền thống. 

Hiện nay, ông Đinh Minh Tỉnh tuổi đã cao nhưng với ông, khi còn sức khỏe ngày nào là ngày ấy ông còn tâm huyết, chăm lo di tích đền Phù Đổng và hội Gióng. Đó là niềm vui của ông, nhưng trên hết, để gìn giữ di sản quý của cha ông để lại và tạo cơ sở tốt trao truyền cho thế hệ tương lai. 

Người phụ nữ can đảm bước qua lời nguyền 

36 năm mới được thực hành nghi lễ một lần và lần cuối cùng được tổ chức năm 1926, nghệ thuật hát Dô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai tưởng chừng mai một. Nhưng có một phụ nữ, bà Nguyễn Thị Lan đã dám bước qua lời nguyền để khôi phục lại làn điệu dân ca độc đáo của quê hương. Dù chịu nhiều sức ép và có thời điểm tới 3 năm đấu tranh tư tưởng nhưng bà Lan vẫn không bỏ được làn điệu hát Dô, bởi nghệ thuật này chính là duyên nợ của cuộc đời bà. 

Gọi là lời nguyền bởi khi xưa, sau mỗi buổi hát, tráp cầu, trang phục, đạo cụ, tài liệu lưu những bài hát Dô được gói ghém cẩn thận, cất giữ tại đền Khánh Xuân, nơi thờ Đức Thánh Tản Viên, người có công dạy dân trồng trọt, cấy cầy và truyền dạy điệu hát Dô. Nếu ai nhắc lại sẽ phạm tội, bị câm điếc rồi sinh bệnh chết. Người dân Liệp Tuyết thấy thế, không ai dám phạm luật, sợ bị thánh thần trừng phạt. 

Mãi đến năm 1989, khi Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Tây phối hợp với Trung tâm văn hóa huyện Quốc Oai về xã Liệp Tuyết sưu tầm những điệu hát Dô cổ, bà Nguyễn Thị Lan được lựa chọn đảm nhiệm việc thu thập tư liệu. Khi đó, những người tham gia hát lần cuối cùng ở đền Khánh Xuân năm 1926 đều đã cao tuổi, hầu hết đều trên 80 tuổi không còn nhớ lời hát. Thấy bà Lan nhiệt huyết với làn điệu dân ca này, một cụ nói với bà Lan đến cụ truyền miệng để chép lại. Sau 3 buổi tối, những làn điệu hát Dô đầu tiên được chép đầy trong 5 trang giấy. Cụ dặn dò bà Lan phải cất đi để hát, không được làm thất lạc để tránh mất gốc và 3 ngày sau bà cụ mất. Sau đó, bà Lan tiếp tục tìm đến các cụ đã từng hát ở đền năm 1926 để hoàn thiện điệu hát này. “Có được những làn điệu hát Dô tôi thấy mình cần làm tròn nhiệm vụ nhưng trước lời nguyền của các cụ ngày xưa, nhiều lúc tôi thấy nao núng, người động viên cũng nhiều nhưng người cản cũng không ít. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm sưu tầm, học hát” - Bà Lan chia sẻ. 

Khi được giao thành lập câu lạc bộ hát Dô, ban đầu bà Lan gặp nhiều khó khăn bởi lời nguyền thủa xưa vẫn trong tiềm thức mọi người. Nhiều cháu bị mẹ cấm tham gia, nhiều cháu được đào tạo thuần thục rồi lại bỏ, hỏi ra mới biết gia đình không cho đi vì lo gặp những điều không may. Bà Lan cùng các đoàn thể trong xã phải giải thích, vận động và cuối cùng nhiều người cũng hiểu ra, cho con cháu tiếp tục theo học. Đến nay, câu lạc bộ hát Dô có tới 645 hội viên tham gia, đa phần các cháu ở lứa tuổi 11 – 12, lớn nhất là 16 tuổi. 

Hát cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài hát Dô, bà Nguyễn Thị Lan cho biết, một bài hát chúc dài hơn 1 tiếng đồng hồ gồm 36 làn điệu. Trong đó, bài hát nói về đời sống hàng ngày của người dân Liệp Tuyết, bốn mùa xuân hạ thu đông, tuổi trẻ, tình duyên, cách đối nhân xử thế… 

Bà cũng cho biết, mấy năm sau khi khôi phục điệu hát Dô, mọi người cũng tìm thấy văn tế của ngôi đền Khánh Xuân và một sổ ghi các bài hát Dô. Sổ bài hát là chữ Nho, sau dịch ra chữ quốc ngữ thì bài hát Dô đó so với bài hát các cụ truyền lại đúng tới 99%. Từ đó, bà Lan càng tự tin để truyền dạy cho thế hệ trẻ. 

Vang mãi tiếng cồng chiêng 

Dịp gặp chị cuối năm, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, chủ nhiệm câu lạc bộ hát múa dân gian cồng chiêng xã Tiến Xuân cho biết, cồng chiêng là sắc thái văn hóa dân tộc Mường xã Tiến Xuân cũng như các xã vùng núi cao của Hà Nội và một số tỉnh khác. Vì thế, dù thời gian có nhiều thay đổi nhưng người Mường ở xã Tiến Xuân vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc mình. Chính chị Thìn là một trong những người có nhiều công sức gìn giữ, phát huy tiếng cồng chiêng của người Mường. 

Bắt đầu chuyện của mình, chị Thìn cho biết, từ khi Nhà nước có chủ trương bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Mường, chị nhận thấy rõ trách nhiệm của mình khi đang làm công tác văn hóa của xã và nhất là chị đã gắn bó với cồng chiêng từ nhỏ. Chị đã thành lập Câu lạc bộ hát múa dân gian cồng chiêng để tập hợp những người có cùng sở thích và làm cơ sở phát triển rộng loại hình này. 

Từ ít người ban đầu, dần dần câu lạc bộ tăng lên 20 thành viên, sinh hoạt mỗi tháng một lần. Chị Thìn có định hướng rõ ràng, dạy cho mọi người biết hai bài cồng chiêng cổ là bài: Bông trắng bông vàng và bài Sắc bùa. Sau khi thành thục hai bài nhạc cơ bản trên, chị cũng mở rộng ra các tổ khúc khác. Một mặt, với sự hỗ trợ truyền dạy của Trung tâm văn hóa huyện và Phòng dân tộc huyện, các thành viên trong câu lạc bộ tương đối thành thục các bài nhạc gõ cồng chiêng. Mỗi khi trong xã hoặc các nơi có sự kiện, câu lạc bộ của chị thường xuyên được mời đi biểu diễn. 

Không chỉ có công xây dựng câu lạc bộ hát múa dân gian cồng chiêng, chị Bùi Thị Bích Thìn còn tích cực đi truyền dạy cho các xã miền núi có cồng chiêng. Ngoài các xã ở huyện Thạch Thất, chị còn lên các xã miền núi huyện Ba Vì, nơi có đồng bào dân tộc Mường để dạy. Cũng nhờ đó, nhiều chị em dân tộc Mường biết đánh cồng chiêng tốt hơn, có thể kể tới như chị: Bùi Thị Oanh, Tạ Thị Tâm, Nguyễn Thị Nguyệt (xã Tiến Xuân), Quách Thị Sinh (xã Yên Bình), Nguyễn Thị Chính (xã Yên Trung) huyện Thạch Thất… 

Mới đây, chị Bùi Thị Bích Thìn khởi xướng tổ chức giao lưu văn nghệ cồng chiêng cho các xã miền núi huyện Thạch Thất và Ba Vì, nơi chị truyền dạy cồng chiêng. Tham gia giao lưu có tới 22 đội cồng và trên 300 hội viên, hầu hết đều là người chị Thìn dạy đánh cồng chiêng. Ngoài ra, chị còn vào một số trường học trên địa bàn huyện Thạch Thất để truyền dạy cho các cháu học sinh. 

Khẳng định văn hóa cồng chiêng người Mường không thể mất đi nhưng điều chị Bùi Thị Bích Thìn trăn trở là phát triển thành một phong trào rộng lớn sẽ rất khó. Bởi người có thời gian tập luyện, biểu diễn đa phần đều đã lớn tuổi, những phụ nữ trung niên còn bận rộn với cuộc sống thường ngày, còn lớp trẻ mải học hành, công việc. Nhưng chị tâm niệm, là người con của dân tộc Mường, lại hiểu về văn hóa cồng chiêng nên chị có trách nhiệm gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng truyền thống đồng bào dân tộc của mình. 

Đinh Thị Thuận (TTXVN)