11:08 21/11/2012

Trộm nhởn nhơ 'móc ruột' container

Đó là thống kê mới nhất được Cục CSHS - Bộ Công an công bố, qua quá trình điều tra, xử lý 151 vụ trộm cắp tài sản trong container trên đường vận chuyển xảy ra từ năm 2010 đến nay.

Đó là thống kê mới nhất được Cục CSHS - Bộ Công an công bố, qua quá trình điều tra, xử lý 151 vụ trộm cắp tài sản trong container trên đường vận chuyển xảy ra từ năm 2010 đến nay. Đáng chú ý theo đại diện Cục CSHS, thực tế thiệt hại lớn hơn nhiều bởi nhiều doanh nghiệp, bị hại không trình báo cơ quan công an.



Phương tiện và “bị hại” 1 vụ trộm cắp trong container

 

Tên trộm có duyên với... chân gà

 

Theo quy định, người điều khiển xe container phải có bằng FC, song thực tế, người có bằng lái xe loại này rất ít so với nhu cầu của các doanh nghiệp vận tải. Lợi dụng sự khan hiếm đó, đối tượng biết lái xe container đã làm hồ sơ giả (gồm lý lịch, chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe, bằng lái xe giả) xin vào lái xe cho các công ty vận tải. Việc lật tẩy thủ đoạn này của trinh sát Cục CSHS bắt nguồn từ chuyên án truy xét kéo dài gần nửa năm trời, điều tra hàng loạt vụ mất trộm tài sản trong container trên các tuyến giao thông tại các tỉnh Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Và một trong những đối tượng sớm lộ diện là Phạm Ngọc Hiếu, 25 tuổi, quê quán xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

 

Ngày 27-4, Hiếu lái xe container cho Công ty TNHH Giang Anh, chở mặt hàng chân gà đông lạnh từ cảng Hải Phòng đi Lộc Bình, Lạng Sơn. Chủ hàng là một doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh. Trên đường vận chuyển, Hiếu đã tìm cách lấy được hơn 500 kiện hàng với số lượng trên 10 tấn, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng, rồi vứt lại xe, bỏ trốn. Nửa tháng sau, với bộ hồ sơ cá nhân giả mang tên Phạm Văn Phương, 26 tuổi, quê quán huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Hiếu đã được Công ty TNHH Nam Sơn Hà, trụ sở tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng tuyển dụng để điều khiển container. Ngày 4-8, Hiếu điều khiển xe container chở chân gà đông lạnh từ cảng Hải Phòng đi Móng Cái - Quảng Ninh. Trên đường vận chuyển, Phương (tức Hiếu) đã cạy phá container lấy đi 7.400kg chân gà, trị giá hơn 200 triệu đồng. Sau đó, Hiếu để xe ở địa bàn xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng. Quá trình lần theo dấu vết đối tượng này, trinh sát Cục CSHS xác định y đã “vọt” vào tận thị xã Dĩ An, Bình Dương, và đang làm thủ tục đi xin việc bằng bộ hồ sơ giả khác.

 

Cũng nằm trong chuyên án truy xét nêu trên của Cục CSHS, phải nhắc đến vụ thiệt hại tài sản lớn của Công ty TNHH vận tải Minh Vũ, trụ sở tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Đêm 23-9, Công ty Minh Vũ giao lái xe Nguyễn Thế Thành điều khiển container từ cảng Hải Phòng đến Tổng kho 3, Lạc Viên, Hải Phòng; vận chuyển 40 tấn nhôm thỏi nhập khẩu. Trên đường vận chuyển, Thành đã trộm cắp toàn bộ số hàng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Ba ngày sau, cơ quan công an phát hiện chiếc container và 2 thùng container bị “vứt” lại ở địa bàn huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Tung tích lái xe Nguyễn Thế Thành biệt tăm, bởi khi sự việc vỡ lở, doanh nghiệp tuyển dụng đối tượng này mới biết Thành đi xin việc bằng hồ sơ giả.

 

Phá cửa container, làm lại kẹp chì

 

“Để thực hiện thủ đoạn này, bao giờ đối tượng bên ngoài cũng cấu kết, thông đồng với lái xe container. Một số ít trường hợp chúng khống chế, mua chuộc hoặc cưỡng ép lái xe phải hợp tác để trộm cắp”, một điều tra viên Cục CSHS - Bộ Công an cho biết.

 

So với đối tượng dùng hồ sơ giả xin việc, lái xe, lấy cắp hàng rồi… vứt lại xe, dạng thủ đoạn phá cửa container, lấy cắp hàng rồi làm lại kẹp chì tinh vi hơn nhiều. Trước khi gây án, đối tượng thường có sự nghiên cứu kỹ về cấu tạo các loại chất liệu của container để có cách đục, khoan, mở không để lại dấu vết rõ ràng. Khi thực hiện hành vi trộm cắp, đối tượng yêu cầu lái xe chở hàng đến địa điểm xa khu dân cư, dùng dụng cụ đục phá cửa container. Sự tinh quái của loại tội phạm này thể hiện ở chỗ, chúng không trộm cắp toàn bộ hàng hóa, mà chỉ lấy một phần, sau đó khôi phục niêm phong, kẹp chì nhằm che giấu chủ hàng và cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp khi hàng hóa của doanh nghiệp đến nơi nhận hàng, hoặc xuất khẩu sang các nước, kiểm đếm mới phát hiện thấy mất “lõi”. Và đối tượng trộm cắp, chúng có thêm khoảng thời gian dài trốn tránh. Chuyên án triệt xóa 3 ổ nhóm mà Cục CSHS phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện cách đây không lâu, đã làm rõ 27 vụ trộm cắp, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Các đối tượng sử dụng phương thức dùng kìm, máy cắt điện đục phá cửa container để rút ruột hàng hóa, sau đó hàn, sơn lại như cũ. Hay chuyên án truy xét của Công an tỉnh Hải Dương hồi cuối năm 2011, 7 đối tượng bị khởi tố, tạm giam khai nhận với thủ đoạn trên đã lấy cắp được gần 1.000 đôi giày, trị giá trên 500 triệu đồng.

 

Theo lãnh đạo Cục CSHS, công tác phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản trong container đang có nhiều lỗ hổng. Đối tượng hoạt động phạm tội theo tính chất băng nhóm, liên tỉnh, nhưng lực lượng chức năng ở nhiều địa phương lại chưa có sự thông tin, phối hợp nắm bắt, xử lý thường xuyên. Bên cạnh đó là sự hợp tác chưa chặt chẽ của doanh nghiệp với CQĐT. Nhiều doanh nghiệp khi mất trộm hàng hóa nhưng không trình báo, hoặc cung cấp thông tin không chính xác, gây khó khăn cho công tác điều tra. Lý do của việc không trình báo, là doanh nghiệp vận tải sợ mất uy tín; sợ bị “bật” ra vi phạm khai báo Hải quan không đúng thực tế về chủng loại hàng hóa, nhằm mục đích gian lận, trốn thuế. Lại có trường hợp khi bị mất hàng chỉ lo làm thủ tục để thanh toán bảo hiểm mà không trình báo đến cơ quan công an, khiến số vụ mất trộm tài sản trong container gia tăng, ngày càng trở nên phức tạp…

 

 

Theo cand.com.vn