Theo ông Nikolay Patrushev, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Vladimir Putin, những “cái đầu nóng” ở các thủ đô châu Âu nên nhận thức rằng hải quân Liên bang Nga đủ khả năng bảo vệ tàu thuyền của mình.
Ông Nikolay Patrushev, trợ lý cấp cao của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images
Ngày 22/4, đài RT của Liên bang Nga dẫn lời ông Nikolay Patrushev, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Vladimir Putin cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đang chuẩn bị áp đặt một cuộc phong tỏa hải quân đối với nước này.
Tuy nhiên, ông Patrushev cảnh báo rằng Moskva (Moscow) sở hữu một lực lượng hải quân đủ mạnh để đáp trả bất kỳ hành động nào như vậy.
Trong một cuộc phỏng vấn được Kommersant đăng tải hôm thứ Hai (21/4), ông Patrushev – người hiện là Chủ tịch Hội đồng Hàng hải Liên bang Nga (một cơ quan giám sát chính sách quốc gia trong lĩnh vực này) cho biết Moskva đang đối mặt với những mối đe dọa và thách thức ngày càng gia tăng trên biển trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
“Tập thể phương Tây không còn che giấu ý định loại tàu thuyền của chúng ta ra khỏi các vùng biển, trong khi các kế hoạch trừng phạt mà ví dụ như Anh và một số nước EU đang cân nhắc ngày càng giống một cuộc phong tỏa hải quân”, ông Patrushev nói, đồng thời cảnh báo rằng các bước đi như vậy sẽ “gặp phải phản ứng phù hợp và tương xứng” từ phía Moskva.
“Nếu các biện pháp ngoại giao hoặc pháp lý không có hiệu lực, thì an ninh cho tàu thuyền Liên bang Nga sẽ được bảo đảm bởi hải quân của chúng ta. Những cái đầu nóng ở London hay Brussels cần hiểu rõ điều này”, ông Patrushev nhấn mạnh.
Vị trợ lý cấp cao của Tổng thống Vladimir Putin này cũng cho biết thêm rằng Liên bang Nga đang triển khai một chương trình hiện đại hóa hải quân quy mô lớn, bao gồm việc phát triển và triển khai các hệ thống không người lái, đồng thời cải tiến chiến thuật hải quân.
Tuy nhiên, ông Patrushev nhấn mạnh Moskva không có ý định tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang trên biển.
Theo RT, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp hạn chế hàng hải đối với Liên bang Nga từ năm 2022 liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, và đã trừng phạt hàng chục tàu thuyền của nước này vì bị cáo buộc né trần giá dầu.
Các tàu thuyền của Liên bang Nga cũng đã gặp phải trở ngại lớn trong việc tiếp cận các cảng EU, công ty bảo hiểm và tổ chức tài chính.
Hải quân Anh trong nhiều tháng qua đã theo sát các tàu của Liên bang Nga đi ngang qua gần lãnh hải của họ, viện dẫn lo ngại về mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia và hạ tầng hàng hải.
Căng thẳng hàng hải cũng bị đẩy lên cao trong những tháng gần đây sau một loạt sự cố phá hoại các cơ sở hạ tầng dưới biển ở Biển Baltic. Dù đã có những đồn đoán về khả năng có sự tham gia của Liên bang Nga, nhưng giới chức phương Tây không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc đó là “vô lý”.
Sau những cáo buộc phá hoại, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Baltic, khiến Liên bang Nga phải cảnh báo rằng nước này sẽ có phản ứng thích đáng đối với bất kỳ hành động “vi phạm” nào của các tàu thuộc khối NATO.