10:18 01/10/2017

Triều Tiên sẽ thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương như thế nào?

"Chúng ta đang nói về việc đặt một đầu đạn hạt nhân sống lên một quả tên lửa, vốn mới chỉ được thế giới thử nghiệm vài lần, rồi bay trên đầu những khu vực đông dân cư. Viễn cảnh này quá đáng sợ”.

Triều Tiên tuyên bố đã phát triển được bom hydro, có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của nước này. Ảnh: KCNA/AFP

Chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu gây tranh cãi tại Đại hội đồng LHQ, nơi ông đe doạ “huỷ diệt hoàn toàn” Triều Tiên, Bình Nhưỡng đáp trả bằng cảnh báo có thể kích nổ một quả bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương.

“Đó có thể là vụ nổ bom H mạnh nhất từng xảy ra trên Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tuyên bố và nói thêm rằng ông "cũng không nắm được những hành động gì có thể xảy ra khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh”.

Những tuyên bố “đao to búa lớn” như vậy không còn xa lạ với Triều Tiên, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, lời cảnh báo của một Triều Tiên đang đạt nhiều tiến bộ về công nghệ tên lửa và hạt nhân, là không thể xem nhẹ, nhất là khi chỉ trước đó vài tuần, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất của mình.

Các nhà phân tích ước tính, trong vụ thử bom nhiệt hạch (hay còn gọi bom H) hôm 3/9, quả bom được thử mạnh xấp xỉ gấp 17 lần quả bom từng huỷ diệt thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Trong lúc căng thẳng đang leo thang như hiện nay thì cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un lẫn Tổng thống Donald Trump đều không có dấu hiệu xuống thang hay tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Vậy sau 12 lần thử tên lửa đạn đạo và một lần thử hạt nhân chỉ trong vòng 1 năm, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch trên đại dương lớn nhất Trái Đất ra sao?

Triều Tiên có 'dám' nổ bom H trên Thái Bình Dương

“Nguy cơ Triều Tiên mang một quả bom hạt nhân ra kích nổ trên đại dương hiện tại lớn hơn rất nhiều so với bất cứ nguy cơ nào mà ông Kim từng đặt ra”, tờ Huffington Post dẫn lời ông Michael Elleman, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở Washington nhận xét. “Đây là thời gian rất nguy hiểm đối với mối quan hệ giữa Triều Tiên và phần còn lại của thế giới”.

Một vụ nổ như vậy là “sự khiêu khích khủng khiếp” - Vipin Narang, giáo sư quan hệ quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts nói - “Chúng ta đang nói về việc đặt một đầu đạn hạt nhân sống lên quả tên lửa, vốn mới chỉ được thế giới thử nghiệm vài lần, rồi bay trên đầu những khu vực đông dân cư. Viễn cảnh này quá đáng sợ”.

Binh sĩ Triều Tiên trong một buổi lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP

Cũng theo tờ Huffington Post, bà Melissa Hanham, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm James Martin về Nghiên cứu cấm phổ biến hạt nhân ở California, lại cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Triều Tiên có thể là cách để nước này đo phản ứng của cộng đồng quốc tế.

"Do vị trí thử nghiệm dự kiến ở khoảng cách xa, Triều Tiên chỉ có năng lực hạn chế trong việc đo đạc được thực sự những gì đã xảy ra, bởi họ không có phương tiện quan trắc” - chuyên gia Elleman phán đoán - “Đây có thể là yếu tố khiến họ sẽ không lựa chọn tiến hành vụ thử: Triều Tiên sẽ không thu được thông tin mà họ thực sự muốn”.

Hồi tháng 8, Triều Tiên cũng từng đe doạ phóng tên lửa tầm xa quanh đảo Guam của Mỹ, nhưng rút cục họ đã không làm.

Nhưng nếu thực sự muốn một vụ thử như vậy, Triều Tiên sẽ tiến hành ra sao?

Theo chuyên gia Elleman, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ cần một quả tên lửa, thay vì một chiếc máy bay hay phương tiện khác, để đưa quả bom H ra Thái Bình Dương. “Nếu họ dùng máy bay mang bom ra, thì mối nguy hiểm trước vụ nổ sẽ lớn hơn nhiều”, ông Elleman nói và bổ sung rằng, giới phân tích nghi ngờ máy bay Triều Tiên sẽ bay ngang qua Nhật Bản.

Ngoài ra cũng có những phán đoán xung quanh phát ngôn của ngoại trưởng Triều Tiên về một vụ nổ “trong Thái Bình Dương” (in the Pacific) hay “trên Thái Bình Dương” (over the Pacific). Chuyên gia Elleman và Hanham thì nghiêng về giả thuyết vụ nổ “trên Thái Bình Dương”, tức là trên không trung.

Vụ nổ hạt nhân trên không gần đây nhất là do Trung Quốc tiến hành gần 40 năm trước.

Theo ông Elleman, nếu Triều Tiên lựa chọn tiến hành một “vụ thử thuần tuý về kỹ thuật” nhằm thử nghiệm năng lực của đầu đạn, thì nó có thể sẽ được kích hoạt ở độ cao 600 – 800 mét so với mực nước biển.

Về thời điểm, Elleman cho biết, ông đã từng cho rằng vụ thử bom H của Triều Tiên có thể được tiến hành "một hoặc hai năm sau khi được cân nhắc”, nhưng “đặt vào bối cảnh chính trị hiện nay, thì ông Kim Jong-un có thể đẩy nhanh ngày đó lên”. “Tôi không dự đoán nó diễn ra vào cuối tuần này, nhưng nếu vụ nổ thực sự xảy ra, nó cũng không làm tôi ngạc nhiên”, ông Elleman nói.

Tên lửa đạn đạo Hàn Quốc được phóng đi ngay lúc quả tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang bay ngang qua Nhật Bản vào sáng 15/9. Ảnh: AFP

Những mối đe dọa từ một vụ thử bom H trên Thái Bình Dương


Ngoài những tác động về môi trường, một vụ thử bom H còn gây ra những mối quan ngại khác. "Liệu Triều Tiên có tin tưởng tên lửa của họ đủ tin cậy để bay qua Nhật Bản với một đầu đạn hạt nhân mà không xảy ra sự cố?”, chuyên gia Elleman đặt câu hỏi.

Hwasong-12, tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên, chỉ được phóng thành công 3 lần trong tổng số 6 lần thử. Vì thế việc đặt bom H lên loại tên lửa này sẽ đặt ra một mối nguy cơ rất lớn, thậm chí còn nguy hiểm hơn khi đặt lên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) - ông Elleman nói - ám chỉ tên lửa Hwasong-14 mà Triều Tiên đã hai lần phóng thử. Ông lưu ý mối nguy cơ lớn là tên lửa rơi khi đang được phóng đi và có thể gây ra hậu quả khủng khiếp nếu đáp xuống Nhật Bản.

Nhà nghiên cứu Hanham cũng đồng ý về nguy cơ tên lửa mang bom H của Triều Tiên có thể rơi, mặc dù bà cho rằng nguy cơ với Nhật Bản là không lớn.

Ngoài ra, một vấn đề khác mà giới chuyên gia băn khoăn, là liệu các cơ quan tình báo hoặc giám sát Mỹ có đủ khả năng phát hiện Triều Tiên đang chuẩn bị một cuộc thử hạt nhân bằng đường không, và liệu Mỹ có tấn công phủ đầu. Kịch bản này nếu xảy ra có thể gây hậu quả tàn phá đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Tại cuộc họp báo đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định Mỹ đã có các chiến lược quân sự để không đặt Hàn Quốc vào mối nguy hiểm bị Triều Tiên trả đũa. Tuy vậy, ông từ chối cung cấp chi tiết kế hoạch này.

Trong khi đó, các nhà phân tích nghi ngờ về tính khả thi một kế hoạch như vậy. “Tôi không thể  hình dung cách nào mà anh có thể dấy quân với Triều Tiên mà không đặt Seoul vào nguy hiểm”, ông Hanham nói với tờ HuffPost.

Bom H là gì

Được Mỹ bắt đầu nghiên cứu phát triển vào những năm đầu 1950, bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H, bom Hydro, bom khinh khí) được cho là có sức công phá mạnh gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử.

Vũ khí hạt nhân đơn giản lấy năng lượng từ quá trình phân hạch, hay còn gọi là phân rã hạt nhân. Bom được chế tạo theo cách này được gọi là bom nguyên tử, hay bom A. 

Vũ khí hạt nhân cao cấp hơn lấy năng lượng nhiều hơn từ quá trình nhiệt hạch, hay còn gọi là tổng hợp hạt nhân. Đối với loại vũ khí này, bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và ném phần nhiên liệu khác nhằm tạo ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải thoát rất nhiều. Loại vũ khí này được gọi là bom khinh khí hay còn có tên khác là bom hydro, bom H hoặc bom nhiệt hạch.

Bom H thực chất là quả bom kép, bao gồm một quả bom nguyên tử và một quả bom hydrogen. Khi được kích hoạt, hai quả bom sẽ nổ gần như đồng thời. Lượng nhiệt sinh ra từ quá trình nổ bom nguyên tử được dùng để làm mồi cho vụ nổ thứ 2, vốn cần rất nhiều nhiệt lượng nhưng sức tàn phá cũng lớn gấp hàng trăm lần. 


Thu Hằng/Báo Tin Tức