05:19 12/05/2019

Triều Tiên nhắn nhủ gì sau khi liên tiếp thử vũ khí

Triều Tiên đã phóng hai vật thể được cho là tên lửa tầm ngắn vào ngày 9/5. Đây là vụ phóng tên lửa thứ hai của Triều Tiên chỉ trong 5 ngày, làm dấy lên những đồn đoán về thông điệp của hành động này.

Chú thích ảnh
Bức ảnh Triều Tiên công bố ngày 9/5 về thử nghiệm vũ khí. Ảnh: AP

Nhiều chuyên gia nhận định với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng vụ phóng ngày 9/5 của Triều Tiên còn cho thấy quốc gia này nghiêm túc về phát triển tên lửa tầm ngắn.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết những tên lửa tầm ngắn Triều Tiên phóng đã di chuyển được quãng đường 420 km và 270 km. Phía Hàn Quốc khẳng định đang hợp tác với Mỹ để xác định thêm chi tiết về loại vũ khí Triều Tiên đã phóng.

Trước đó, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã cùng gặp gỡ tại Seoul để thảo luận về vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên ngày 4/5 và các vấn đề an ninh khác. Chi tiết của cuộc gặp này chưa được công bố.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 10/5 đăng tải thông tin rằng Chủ tịch Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng tên lửa, ngoài ra không nêu rõ chi tiết loại tên lửa được phóng.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá việc xác định loại tên lửa được phóng ngày 9/5 là vô cùng quan trọng bởi Liên hợp quốc cấm Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo. Trong trường hợp Triều Tiên vi phạm lệnh cấm của Liên hợp quốc, nước này sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt bổ sung. Trong khi đó, qua những sự kiện ngoại giao gần đây Triều Tiên đều đề cập đến việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Vụ phóng ngày 9/5 diễn ra sau khi Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đến thăm Hàn Quốc.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump nói ông không hài lòng với những cuộc thử vũ khí gần đây của Triều Tiên. Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 9/5, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định “chúng tôi đang theo dõi tình hình một cách nghiêm túc”.

Tổng thống Trump cho biết mặc dù Triều Tiên chỉ thử tên lửa nhỏ tầm ngắn nhưng “chẳng ai vui vẻ về điều này”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng Triều Tiên sẽ không làm đổ vỡ niềm tin.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động có thể cản trở ngoại giao. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình KBS (Hàn Quốc), Tổng thống Moon Jea-in khẳng định Seoul sẽ tìm kiếm các giải pháp khác nhau để khôi phục đối thoại, trong đó bao gồm viện trợ lương thực cho Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Kim Jong-un theo dõi cuộc phóng thử. Ảnh: AP

Một số nhà phân tích nói rằng nếu Triều Tiên tái thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo tầm xa bị cấm thì đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng rời xa con đường ngoại giao.

Trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ở thủ đô Hà Nội ngày 28/2, hai bên đã không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Tại Geneva ngày 9/5, Đại sứ Triều Tiên Han Tae-song đánh giá lệnh trừng phạt là “tội ác”.

AP dẫn lời học giả Du Hyeogn-cha tại Viện nghiên cứu Chính sách châu Á ở Seoul đánh giá Triều Tiên thực hiện hai vụ phóng liên tiếp trong 5 ngày nhằm gây áp lực lên Hàn Quốc để Seoul hỗ trợ Bình Nhưỡng mạnh mẽ hơn. Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai, Triều Tiên đã đề nghị Hàn Quốc tiến hành các dự án chung vốn chững lại sau lệnh trừng phạt của Washington với Bình Nhưỡng.

Một số nhà quan sát đánh giá rằng Triều Tiên có thể phóng thêm tên lửa, bao gồm tầm ngắn, để tăng áp lực lên Mỹ. Ông Du Hyeogn-cha nhận định rằng Triều Tiên sẽ không phóng tên lửa tầm xa trừ khi có ý định từ bỏ hoàn toàn con đường ngoại giao.

Lần cuối cùng Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa là vào tháng 11/2017. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn cần thêm thời gian thử nghiệm để hoàn thiện tên lửa đạn đạo tầm xa của quốc gia này.

Chủ tịch Kim Jong-un từng cho biết ông sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba nhưng đặt thời hạn cuối năm 2019 để Washington thay đổi chính sách.

Reuters cho biết các quan chức quân sự Hàn Quốc đã nhận định về động cơ chính trị đằng sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Đầu tiên đó có thể bắt nguồn từ áp lực tăng cao từ lệnh trừng phạt. Tiếp đó là phản đối việc Hàn Quốc mua chiến đấu cơ F-35, Seoul tập trận chung với Washington.
Những cuộc phóng thử vũ khí này còn là động thái để khích lệ sự ủng hộ của người dân Triều Tiên với chính phủ.

Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha (Hàn Quốc) phân tích: “Chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un sẵn sàng sử dụng áp lực để đương đầu với áp lực”.

Hà Linh/Báo Tin tức