10:16 16/10/2012

Triều cường dâng cao, đường thành sông

Liên tục trong 3 ngày 14-16/10, triều cường dâng cao đã làm ngập một số tuyến đường dân sinh, chợ, nhà cửa của nhiều hộ dân sống ven các cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào và các chợ vùng trũng nằm trên địa bàn huyện Giá Rai, Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu.

Liên tục trong 3 ngày 14-16/10, triều cường dâng cao đã làm ngập một số tuyến đường dân sinh, chợ, nhà cửa của nhiều hộ dân sống ven các cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào và các chợ vùng trũng nằm trên địa bàn huyện Giá Rai, Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu.

 

Không chỉ Bạc Liêu mà Cần Thơ cũng đang chịu ảnh hưởng của triều cường. Trong ảnh: Cảnh ngập tại Trung tâm thương mại Cái Khế, quận Ninh Kiều ngày 3/10. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Tại tuyến đường “độc đạo” Cao Văn Lầu nối cửa biển Nhà Mát vào nội ô thành phố Bạc Liêu, triều cường dâng cao đã làm ngập nhiều đoạn đường, gây khó khăn đi lại cho người dân, nhất là học sinh đến trường. Tuy triều cường chưa gây thiệt hại về tài sản, nhưng đã ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

 

Cần nói thêm là, hiện nay Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm khoảng 125.000 ha, 3.000 ha làm muối nằm dọc trên tuyến đê biển Đông, gần các cửa biển, sông lớn và hàng chục ngàn hộ dân, nhiều trụ sở nhà nước, công trình dân sinh, chợ nằm ở vùng trũng, thấp, nên nguy cơ ngập nước, tràn bờ, vỡ bờ bao, ao đầm nuôi tôm, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân sống trong khu vực này là rất lớn. Ngoài ra, triều cường có khả năng thẩm thấu qua hệ thống cống đập, lấn sâu vào kênh nội đồng, tràn qua các đoạn đường trũng, thấp trên tuyến quốc lộ 1A, xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa phía Bắc, làm ảnh hưởng đến diện tích sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân.

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Bạc Liêu, từ ngày 14 - 20/10 xuất hiện đợt triều cường trên biển Đông với đỉnh triều cực đại có khả năng lên đến +2,10m vào lúc 3 giờ sáng ngày 17/10 tại trạm Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) và vượt mức báo động III (+2,00m). Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm ứng phó nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do địa hình, hệ thống cơ sở hạ tầng Bạc Liêu thấp, nằm gần cửa biển, sông rạch. Đặc biệt, theo khuyến cáo của các chuyên gia, Bạc Liêu là một trong những địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong khi đó, các công trình, dự án xây dựng nhằm đối phó với thiên tai chưa được đầu tư tương xứng. Hiện tại, toàn tuyến đê biển Đông dài hơn 56 km - tuyến đê chủ lực ngăn triều cường biển Đông, bảo vệ toàn bộ cuộc sống dân sinh, sản xuất của người dân tỉnh này mới xây dựng hoàn thành phần đê; còn nhiều cầu, cống chưa xây dựng nên không phát huy hiệu quả.




Huỳnh Sử