04:10 20/04/2015

‘Triệt hạ Putin’, Mỹ và phương Tây đang húc vào bê tông

Mỹ và phương Tây đang rất “bối rối” trước việc kinh tế Nga thích ứng khá nhanh trước các lệnh cấm vận, cũng như đà suy giảm của giá dầu.

Mỹ và phương Tây đang rất “bối rối” trước việc kinh tế Nga thích ứng khá nhanh trước các lệnh cấm vận, cũng như đà suy giảm của giá dầu.

Những dấu hiệu tích cực

Sau giai đoạn đồng ruble mất giá kỉ lục, lạm phát lên mức 15,4% tính đến thời điểm tháng 12/2014, ngân hàng Trung ương Nga (RCB) đã có bước can thiệp để ổn định tình hình. Lãi suất ngắn hạn được được điều chỉnh tăng đã giúp phục hồi đồng ruble, kiểm soát tốt giá cả hàng hóa.

Đồng ruble được đánh giá là đồng tiền "tốt nhất thế giới" quý 1/2015. Ảnh: Reuters


Trong quý 1 năm 2015, chỉ số lạm phát giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái, ở mức 1,4%. Chỉ số chứng khoán Micex đã tăng tới 18% (trong khi chỉ số chứng khoán Mỹ NYSE chỉ có mức tăng khiêm tốn là 2,48%). Trong một thời gian ngắn từ tháng 2 đến tháng 4/2015, đồng ruble Nga đã lấy lại được 23,3% giá trị, đưa đồng nội tệ của Nga trở thành đồng tiền “tốt nhất thế giới” 3 tháng đầu năm, theo đánh giá của Bloomberg. Dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng thêm gần 10 tỉ USD, đưa tổng giá trị vàng và ngoại tệ dự trữ của Nga lên 360,8 tỷ USD. Đây được xem là mức tăng rất ấn tượng trong gần một năm rưỡi qua, sau việc RCB đã phải tung ra hàng chục tỉ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ, sau sự kiện “ngày thứ 3 đen tối” hôm 16/12/2014, khi đồng ruble mất giá tới hơn 10% chỉ trong một phiên giao dịch.

Lĩnh vực nhập khẩu chịu tác động không nhỏ từ các lệnh cấm vận. Nhưng nó cũng mang lại nhiều lợi thế cho các nhà sản xuất nội địa Nga, thể hiện qua việc chỉ số hàng tồn kho tại khu vực tư nhân giảm. Các doanh nghiệp đã quay lại khai thác tiềm năng thị trường trong nước, giúp chiến lược thay thế hàng nhập khẩu từng bước đạt hiệu quả vững chắc. Sản xuất công nghiệp giảm hơn 10% trong quý 1 năm nay, nhưng bù lại khu vực nông nghiệp lại có mức tăng trưởng 3,5%.

Những dấu hiệu tích cực trên đây là cơ sở để Tổng thống Vladimir Putin hôm 16/4 nói rằng, thời kì khó khăn nhất đã qua, kinh tế Nga sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2016. Các tổ chức định mức tín nhiệm của phương Tây cũng buộc phải rút lại những đánh giá “u ám”: Hãng S&P (Mỹ) nhận định, kinh tế Nga suy giảm ở mức 2,6% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm mà Goldman Sachs, Bloomberg đưa ra trước đó (4-6%).

Sức đề kháng đáng nể của dân tộc Nga

Áp đặt, gia tăng trừng phạt kinh tế chống Nga là điểm mấu chốt trong chiến dịch “triệt hạ” Tổng thống Putin mà Mỹ và các đồng minh phương Tây theo đuổi. Ý đồ chủ đạo là phá hủy nền kinh tế Nga, tạo bất ổn trong xã hội, làm người dân mất niềm tin, đánh mạnh vào uy tín của chính quyền và cá nhân ông Putin, tạo tiền đề để đi tới bước thay đổi thế chế. Thế nhưng họ đã nhầm: Người Nga không chịu ngồi im chịu trận nhìn sự sụp đổ kinh tế. Kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga đã ít nhất 2 lần biết được bằng cách nào để thoát khỏi khủng hoảng và những kĩ năng này vẫn còn nguyên.

Người dân Nga luôn đứng sau ủng hộ Tổng thống Putin. Ảnh: Sputnik


Điều mà phương Tây chưa thuộc bài chính là sức đề kháng của dân tộc Nga, một yếu tố được tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử. Nga là một trong rất ít các nước trên thế giới đã đối chọi thành công trước các hình thức bao vây, cấm vận, chống phá từ bên ngoài. Mỹ và đồng minh có thể thành công trong thay đổi thế chế ở một số quốc gia, nhưng làm được điều đó ở Nga dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. George Friedman, người sáng lập và là Giám đốc điều hành mạng tình báo toàn cầu Stratfor (một CIA trong bóng mờ) nhận định: Sức mạnh của Nga nằm ở chỗ họ có thể chịu đựng được những thách thức mà nếu là nước khác thì đã đi tới sụp đổ. Cấm vận, giá dầu tụt dốc, kinh tế suy giảm… không làm hủy hoại sự tự tin của Nga, không làm người dân Nga bị chia rẽ, mất niềm tin vào chính quyền, giới lãnh đạo.

Nhiều học giả Mỹ như Clifford G. Gaddy, Barry W. Ickes (làm việc tại Viện Brookings)… cũng chia sẻ quan điểm trên. Theo họ, đối chọi và sinh tồn là một phần lịch sử Nga, là bản sắc dân tộc Nga. Khó khăn càng lớn dường như chỉ làm cho người dân Nga thêm quyết tâm và đoàn kết. Điều đó được thể hiện qua những biến cố lớn như: Trận đánh Stalingrad trong Thế chiến thứ 2, cách mà nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong những năm 1990… 

Chiến tranh kinh tế dường như không mang lại cho phương Tây những “thành quả” mà họ mong muốn. Ngược lại, nó giúp củng cố tinh thần Nga, sức mạnh mà nhiều học giả mô tả là ý chí phục hưng dân tộc. Lịch sử đã nhiều lần cho thấy quyết tâm của người Nga mỗi khi phải đối mặt với gian khó và nước Nga trong thế kỉ 21 sẽ không phải là một ngoại lệ - học giả F. William Engdahl thuộc Đại học Preceton (Mỹ) nhìn nhận.


Hoài Thanh (Tổng hợp)