11:15 20/11/2021

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cân đối ngân sách

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong bối cảnh đại dịch kéo dài, chi ngân sách lớn mà nguồn thu hạn hẹp, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 khoảng 20,67 nghìn tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Việc siết giảm chi tiêu ngân sách ngay từ khâu dự toán được cho là những động thái quyết liệt, cụ thể của Bộ Tài chính trước tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách nói chung. Ảnh: CTV.

Trong đó ngân sách Trung ương khoảng 14,62 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 6,05 nghìn tỷ đồng nhờ việc các đơn vị ngân sách đã cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai...Trong năm 2020, các bộ, cơ quan Trung ương đã cắt giảm, tiết kiệm chi NSNN khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng từ việc giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.

Theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính, thời gian tới có nhiều thách thức đặt ra như: Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ đã giảm đáng kể; thu NSNN sẽ gặp khó khăn; áp lực đảm bảo mức bội chi bình quân cả giai đoạn 2021 - 2025... “Các chính sách về chi ngân sách thời gian qua được ban hành kịp thời, bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng như lực lượng tuyến đầu chống dịch; người bị nhiễm COVID-19, bị cách ly; người lao động, người sử dụng lao động; hộ kinh doanh bị giảm sâu thu nhập; các đối tượng yếu thế… Các chính sách về chi NSNN đã tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân”.

Tính đến ngày 10/11/2021, Trung ương đã quyết định chi 35,47 nghìn tỷ đồng, trong đó chi 32,98 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho các bộ và hỗ trợ các địa phương chi cho phòng, chống dịch (bao gồm cả mua vaccine), hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (bao gồm kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19).

Theo Bộ Tài chính, trong khi nhiều nhiệm vụ chi phòng, chống dịch COVID-19 phát sinh; nhưng NSNN luôn đảm bảo nguồn chi đầu tư phát triển. Đối với năm 2021, dự toán chi đầu tư phát triển là 477,3 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 222 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, tiếp tục thực hiện một số chính sách đã ban hành trong năm 2020 và ban hành thêm nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu NSNN để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn, với quy mô dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, bội chi NSNN năm 2021 đang phấn đấu ở mức 4% GDP theo dự toán; dự kiến năm 2022 cũng ở mức 4% GDP (tương ứng khoảng 5,1% GDP chưa điều chỉnh), đang tạo áp lực lớn trong việc cân đối NSNN các năm tới để đảm bảo mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trong phạm vi 3,7% GDP theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 thấp hơn năm 2021. Nhà nước tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số chính sách thu để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu chi phòng chống dịch bệnh lớn, nên áp lực gia tăng đối với cân đối NSNN, nhất là ngân sách Trung ương… “Việt Nam cần chấp nhận tăng bội chi và nợ công để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết. Theo số liệu của IMF và tổng hợp của Viện Đầu tư và nghiên cứu BIDV, tính từ đầu năm 2020 đến nay, tổng các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đạt khoảng 231 nghìn tỷ đồng (gần 3% GDP năm 2020 đã điều chỉnh). 

Theo ông Cấn Văn Lực, để tăng cường hiệu quả của các chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn, cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc.

“Thời gian tới, cần mạnh dạn bội chi ngân sách. Căn cứ vào đâu để thực hiện điều đó, trên thực tế, lạm phát của Việt Nam hiện thấp, trần nợ công an toàn và bội chi cũng ở ngưỡng an toàn. Trong bối cảnh đó, tăng chi cho đầu tư phát triển là đúng hướng. Tuy nhiên điều chỉnh tăng bội chi cần phải chú ý: khối lượng tiền lưu thông nhiều lên thì phải phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng bội chi ngân sách, cái đáng quan tâm đó là năng lực trả nợ của nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, trong điều hành chính sách tài khóa cho biết.

Nới bội chi và nới nợ công giúp tăng quy mô nền kinh tế

 Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc nới bội chi và nới nợ công trong khoảng Việt Nam có thể kiểm soát được, như vậy vừa phát triển, vừa giải quyết việc làm, vừa làm cho quy mô nền kinh tế lớn lên. Khi quy mô lớn lên, GDP lớn lên tự khắc bội chi và nợ công sẽ giảm xuống.

"Nếu Việt Nam không nới bội chi và không nới nợ công thì không có đầu tư, rất khó có điều kiện để tăng trưởng, phát triển, sẽ là một vòng luẩn quẩn. Không tăng trưởng được thì không thực hiện được các mục tiêu của kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm hay các mốc khát vọng đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao" ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Minh Phương/Báo Tin tức