Hợp tác ba bên Mỹ – Hàn – Nhật đang chuyển từ ngoại giao thượng đỉnh sang mạng lưới đa ngành, xuyên thế hệ. Khi các nhà lãnh đạo trẻ, doanh nghiệp và học giả cùng chung tay, liệu đây có phải là công thức để xây dựng một liên minh bền vững vượt qua mọi nhiệm kỳ chính trị?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba trong cuộc họp báo chung sau hội đàm tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 7/2/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Nhận định với tờ Thời báo Hàn Quốc (koreatimes.co.kr) ngày 25/7, nghiên cứu viên Park Jin-wan tại Trung tâm châu Âu về Nghiên cứu Triều Tiên Châu Âu thuộc Đại học Vienna (Áo) cho rằng vào tháng 8/2023, Hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Trại David đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo ba quốc gia cam kết thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên, phối hợp ứng phó an ninh và thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn. Sự kiện này hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới giữa ba đồng minh. Tuy nhiên, gần hai năm sau, lời cam kết đó đang đối mặt với những thử thách đáng kể.
Những biến động và thành tựu quan trọng
Kể từ Hội nghị trên, những thay đổi chính trị sâu rộng đã diễn ra tại cả ba quốc gia. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay thế người tiền nhiệm Joe Biden, Thủ tướng Fumio Kishida nhường chỗ cho ông Shigeru Ishiba, và cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc đã dẫn đến sự chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Lee Jae Myung. Mặc dù cả Tổng thống Lee và Thủ tướng Ishiba đều ủng hộ tiếp tục và tăng cường hợp tác ba bên, những tranh cãi thuế quan mới cùng các hạn chế chính trị nội bộ tại Nhật Bản đang đặt ra câu hỏi về định hướng tương lai của mối quan hệ đối tác này.
Dù vậy, không thể phủ nhận những thành tựu quan trọng mà ba quốc gia đã đạt được. Một Ban Thư ký 3 bên mới đã được thành lập, các cuộc tập trận quân sự chung được tiến hành và cơ chế chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã đi vào hoạt động. Về an ninh kinh tế, ba bên đã khởi động các cuộc đối thoại, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về gián đoạn chuỗi cung ứng và phối hợp ứng phó với tình trạng thiếu hụt khoáng sản quan trọng.
Trong lĩnh vực công nghệ, nhiều chương trình phát triển chung về chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử đã được triển khai, kèm theo cam kết đào tạo hàng nghìn sinh viên về các công nghệ mới nổi và thiết lập khuôn khổ bảo vệ các sáng kiến quan trọng khỏi bị đánh cắp. Những tiến bộ này, được thúc đẩy bởi hơn 50 cuộc họp cấp chính phủ chỉ trong gần hai năm, được các cựu quan chức cấp cao Mỹ đánh giá là nền tảng vững chắc cho tiềm năng hợp tác trong tương lai.
Để duy trì đà hợp tác, nhà nghiên cứu Park lưu ý, ba quốc gia cần vượt ra khỏi khuôn khổ ngoại giao thượng đỉnh, tập trung xây dựng và vun đắp các mối quan hệ đa dạng, bền vững, có khả năng vượt qua những biến động chính trị.
Theo đó, khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong củng cố mối quan hệ đối tác này. Khi các doanh nghiệp có lợi ích kinh tế trực tiếp, họ trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ cho sự hợp tác bền vững. Thỏa thuận được ký kết giữa các phòng thương mại của ba quốc gia vào năm ngoái đã thiết lập các cơ chế đầu tư và nền tảng chia sẻ thông tin, mang lại lợi ích cụ thể cho các công ty, tạo ra động lực thể chế mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, hợp tác học thuật cũng là một trụ cột quan trọng. Ví dụ, sự hợp tác của IBM trong lĩnh vực giáo dục lượng tử với các trường đại học hàng đầu từ ba quốc gia đã minh chứng cho khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng mạng lưới chuyên môn bền vững. Trong các lĩnh vực như AI, công nghệ lượng tử và công nghệ sinh học, nơi năng lực nghiên cứu kết hợp vượt trội so với khả năng đơn lẻ, những mối quan hệ đối tác này tạo ra động lực hợp tác mạnh mẽ.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững của hợp tác ba bên là việc thu hút và trao quyền cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo. Các khuôn khổ ngoại giao thường chỉ giới hạn ở các quan chức cấp cao, khiến giới trẻ ít nhận thức được tầm quan trọng của chúng. Chính vì lý do này, Nhóm Nghiên cứu Thế hệ Kế cận Ba bên Mỹ - Hàn - Nhật đã được thành lập.
Mục tiêu của nhóm là tạo ra một nền tảng bền vững cho các nhà lãnh đạo trẻ thảo luận về các phương thức hợp tác và xây dựng một mạng lưới chuyên gia đa ngành. Như nhà đồng sáng lập Nhóm trên Rintaro Nishimura đã giải thích, sáng kiến này nhằm "đảm bảo tính liên tục bằng cách xây dựng các mối quan hệ có thể giảm thiểu rủi ro do chuyển giao lãnh đạo và rủi ro địa chính trị gây ra". Thay vì chỉ dựa vào các chỉ thị từ trên xuống, nhóm này đang thúc đẩy hợp tác từ dưới lên, biến chương trình nghị sự của chính phủ thành một phong trào xã hội rộng lớn hơn.
Giá trị và thách thức chung
Các tổ chức như vậy không chỉ đơn thuần là mạng lưới, trong bối cảnh cả ba quốc gia đang đối mặt với những thách thức chung như xã hội già hóa, sự gián đoạn công nghệ, các vấn đề an ninh khu vực và sự thờ ơ chính trị ngày càng tăng. Đồng thời, họ cũng chia sẻ những giá trị cốt lõi: quản trị dân chủ, thị trường mở và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Những rủi ro hiện hữu cũng vượt ra ngoài phạm vi quan hệ song phương. Sự tiến bộ trong năng lực quân sự của Triều Tiên, căng thẳng địa chính trị gây gián đoạn chuỗi cung ứng, và nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng năng lực công nghệ có khả năng chống chịu các cuộc tấn công từ bên ngoài – tất cả đều đòi hỏi những phản ứng phối hợp. Năng lực công nghệ, kinh tế và quân sự tổng hợp của ba quốc gia tạo thành một đối trọng đáng gờm, nhưng chỉ khi họ thực sự hợp tác. Việc thể chế hóa sự hợp tác này đòi hỏi một khả năng phục hồi tập thể – tức là khả năng duy trì hợp tác bất chấp những thay đổi chính trị, áp lực kinh tế và bất đồng chiến lược.
Khả năng phục hồi này được xây dựng thông qua việc tạo ra nhiều kênh hợp tác đa dạng: từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hưởng lợi từ thương mại và trao đổi văn hóa ba bên, các nhà nghiên cứu với sự hợp tác xuyên biên giới, đến các chuyên gia trẻ thấy tương lai của mình gắn liền với mối quan hệ đối tác liên tục, việc cùng nhau giải quyết các vấn đề như an ninh mạng và biến đổi khí hậu.
Tóm lại, thử thách lớn nhất đối với quan hệ đối tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn không chỉ đến từ các mối đe dọa bên ngoài mà còn từ áp lực chính trị nội bộ tại mỗi quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế, thái độ hoài nghi về liên minh và những toan tính chính trị trong nước sẽ tiếp tục là rào cản.