11:08 01/11/2013

Triển vọng từ nuôi lợn hung

Năm 2005, khi triển khai Dự án “Đa dạng sinh học” - một dự án nghiên cứu về đa dạng nguồn gen vật nuôi tại tỉnh Hà Giang của Viện Chăn nuôi Quốc gia và Trung tâm Khoa học nông nghiệp nhiệt đới (Pháp), các nhà khoa học đã phát hiện ra một giống lợn mới của đồng bào Mông...

Năm 2005, khi triển khai Dự án “Đa dạng sinh học” - một dự án nghiên cứu về đa dạng nguồn gen vật nuôi tại tỉnh Hà Giang của Viện Chăn nuôi Quốc gia và Trung tâm Khoa học nông nghiệp nhiệt đới (Pháp), các nhà khoa học đã phát hiện ra một giống lợn mới của đồng bào Mông, mà sau này được đặt tên là lợn hung. Toàn thân giống lợn này có màu nâu đỏ tới nâu “hung hung”, tai cụp, trung bình mỗi năm đẻ 1,5 lứa, mỗi lứa 7 - 8 con.

 

Giống lợn hung.


Những nghiên cứu sâu hơn sau đó cho thấy, chúng là một giống mới theo các tiêu chí của Tổ chức Nông Lương Thế giới. Trong tổng số 7.500 con lợn của 1.500 gia đình ở 38 xã của Hà Giang được điều tra thì có đến 3.700 con thuộc giống này. Việc bảo tồn đã được tiến hành ngay sau đó bởi cán bộ Trạm Thú y huyện Bắc Mê với sự hướng dẫn của Viện Chăn nuôi. Sau đó, giống lợn này còn được phát hiện tại Mường Xén (Nghệ An), Minh Hóa (Quảng Bình)...


Năm 2011, Viện Chăn nuôi đã tiến thêm một bước nữa trong việc phát triển giống lợn hung, đó là tạo đàn hạt nhân và sinh sản để chuẩn bị cho bước tiếp theo là tạo dựng một giống mới với quy mô lớn hơn, cao hơn về chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường đang ưa chuộng các giống bản địa.


Giống lợn hung của đồng bào thiểu số thường có độ an toàn cao. Thức ăn của lợn hung được lấy từ tự nhiên, nước suối sạch cộng với khí trời trong lành nên chất lượng thịt khá cao. Nếu so với tiêu chuẩn “thịt hữu cơ” mà các nước phát triển đề ra, chắc chắn thịt các loài vật nuôi ở miền núi tiến sát.


Với những thế mạnh của lợn hung, huyện Hoàng Su Phì đang tiến tới đưa nhanh giống bản địa này ra thương trường với số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn, đồng thời, đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, công tác bảo tồn giống vật nuôi quý này cũng gặp phải những khó khăn. Vì vậy, Viện Chăn nuôi Quốc gia đã xây dựng đề cương bảo tồn và phát triển giống lợn hung để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Võ Văn Sự