04:18 09/04/2018

Triển vọng nối lại đàm phán sáu bên về hạt nhân Triều Tiên

Trong khi quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và Mỹ đang diễn ra thì các chuyên gia lại chú ý tới khía cạnh liệu đàm phán sáu bên có thể được khôi phục và trở thành hình mẫu hiệu quả đảm bảo phi hạt nhân hoá tại Bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đánh giá rằng đàm phán sáu bên lại được nhắc tới bởi nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ ưu ái đối thoại đa phương trong bối cảnh Triều Tiên nhận được ủng hộ của Trung Quốc và Nga trước thềm cuộc gặp giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đại biểu các quốc gia dự đàm phán sáu bên tại Trung Quốc năm 2005. Ảnh: Reuters

Ngày 5/4, tờ Nikkei (Nhật Bản) đưa tin rằng trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý quay trở lại đàm phán sáu bên. Nếu chính xác, thông tin này đánh dấu cho sự thay đổi quan điểm của Triều Tiên, vốn từ lâu phản đối các đối thoại đa phương.

Đàm phán sáu bên được khởi động từ năm 2003 với cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tham dự, ngồi cùng bàn với đại biểu Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Sự kiện này được tổ chức sau diễn biến nóng liên quan tới nghi ngờ Triều Tiên phát triển chương trình làm giàu hạt nhân.

Đàm phán sáu bên từng được ca ngợi là phương thức hiệu quả có thể khiến Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân. Đàm phán sáu bên đã gợi mở nhiều hy vọng, mặc dù khá ngắn ngủi, về đột phá qua các thỏa thuận đạt được. Tuy nhiên, kể từ lần cuối nhóm họp vào cuối năm 2008, đến nay đàm phán sáu bên không còn được nhắc đến. Đến năm 2009, Triều Tiên “nổ phát súng” bằng cuộc thử hạt nhân lần thứ hai đồng thời tuyên bố đàm phán sáu bên ngừng vô thời hạn.

Ở thời điểm đó, có các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên không mặn mà với phương thức phi hạt nhân hóa đa phương bởi có quá nhiều bên liên quan. Và Mỹ cũng có cùng quan điểm này với Triều Tiên. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh CNN, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết Washington không hề muốn quay trở lại đàm phán.

Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tháng 1 đồng ý cử các vận động viên tới dự Olympic Mùa Đông 2018 tổ chức tại PyeongChang, Hàn Quốc. Tiếp đó là nhiều diễn biến tích cực xung quanh các kênh liên lạc giữa hai miền Triều Tiên sau hai năm “đóng băng”. Gây chú ý nhất là việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong tháng 4 và ông chủ Nhà trắng Donald Trump trong tháng 5 tới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ ưu ái phương thức đàm phán đa phương để tận dụng sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Yonhap đánh giá chuyến thăm kéo dài 4 ngày của ông Kim Jong-un đến Trung Quốc có thể coi là nỗ lực để nhận được ủng hộ trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ trong tháng 5 tới.

Ông Woo Jung-yeop tại Viện Sejong (Hàn Quốc) đánh giá: “Triều Tiên nhiều khả năng thích đàm phán sáu bên bởi Bình Nhưỡng lo ngại về cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ. Triều Tiên có thể cho rằng việc quay trở lại đàm phán sáu bên sẽ có lợi hơn ngồi cùng bàn với chỉ riêng nước Mỹ”.

Việc hướng đến đàm phán đa phương của Triều Tiên cũng diễn ra cùng thời điểm Trung Quốc, Nga và Nhật Bản đều không muốn bị đẩy ra bên lề khi Hàn Quốc và Mỹ nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo ông Woo, thử thách nằm ở việc Mỹ từng đánh giá các nỗ lực phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên trong những thập niên gần đây là một thất bại, trong đó Washington có thể hàm ý nhắc đến cả cuộc đàm phán sáu bên.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Cho Sung-ryul tại Viện An ninh Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc lại nhận định: “Đối thoại đa phương có thể được tổ chức sau khi Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân. Tuy nhiên, cho dù đó là 6 bên, 4 bên hay chỉ có hai miền Triều Tiên thì Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn”.

Yonhap dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết tuy thời điểm hiện nay chủ yếu tập trung vào cuộc gặp sắp tới với lãnh đạo Triều Tiên và việc khôi phục đàm phán sáu bên sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả của những cuộc gặp cấp cao này. Tuy nhiên, quan chức giấu tên này bổ sung rằng vẫn có khả năng cho việc nối lại đàm phán sáu bên.

Hà Linh/Báo Tin tức