10:11 23/10/2011

Triển vọng lớn từ nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”

Mới đây, nhãn hiệu "rau Đà Lạt" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và UBND thành phố Đà Lạt chính thức triển khai việc xác định quy chuẩn đã mở ra một niềm hy vọng “nâng tầm và nâng sức” cho vùng chuyên canh rau lớn nhất Việt Nam.

Từ nhiều thập niên qua, rau Đà Lạt đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Thế nhưng, làm gì để các loại rau, củ, quả được trồng ở Đà Lạt được “chính danh” trên thị trường trong và ngoài nước luôn là nỗi canh cánh của xứ rau này. Mới đây, nhãn hiệu "rau Đà Lạt" ( tên gọi chung các loại rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ và rau ăn hoa) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và UBND thành phố Đà Lạt chính thức triển khai việc xác định quy chuẩn, cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu này cho các đơn vị sản xuất, chế biến rau. Nỗi lo bao năm qua giờ đã được thay bằng một niềm hy vọng “nâng tầm và nâng sức” cho vùng chuyên canh rau lớn nhất Việt Nam.


Một thời xênh xang và ... chuỗi ngày lận đận

Với những lợi thế, ưu điểm vượt trội như: chất lượng ngon, mẫu mã bắt mắt, đa dạng chủng loại, tiếp cận, sản xuất nhanh những giống rau mới... và đặc biệt là sản xuất được nhiều loại rau vùng ôn đới, từ nhiều thập niên trước, rau được trồng ở Đà Lạt đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và có mặt ở các nước trong khu vực.

Rau Đà Lạt nổi tiếng cả nước về chất lượng. Ảnh minh họa.


Không chỉ trước năm 1975 mà những thập niên 80, 90, các loại rau của Đà Lạt luôn đứng vị trí đầu bảng cả về số lượng cũng như giá trị của từng loại sản phẩm. Nhiều loại rau của Đà Lạt – nhất là các loại rau có nguồn gốc ôn đới là món “ ưa thích ” trong những thực đơn sang trọng. Được thưởng thức các món rau của Đà Lạt là điều mong muốn của nhiều người. Những vườn rau “ bậc thang” đã tạo nên hình ảnh rất đặc trưng của Đà Lạt, rất nhiều gia đình đã sống và làm giàu từ những vườn rau của mình. Nghề trồng rau cũng trở thành niềm tự hào của người dân xứ sương mù này.

Một thời xênh xang là thế nhưng khoảng một thập niên qua, với nhiều sự biến đổi lớn trong kinh tế, vị trí đầu bảng của cây rau Đà Lạt cũng dần bị “ lép vế ” và thực sự rơi vào chuỗi ngày lận đận. Nhiều tỉnh, thành cũng phát triển nhanh diện tích rau, do vậy, rau Đà Lạt bị cạnh tranh gay gắt. Nhiều loại rau không được trồng ở Đà Lạt nhưng vẫn được bày bán khắp nơi với lời giới thiệu "rau Đà Lạt". "Thật - Giả" lẫn lộn, uy tín rau Đà Lạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này càng khiến cho rau Đà Lạt mất giá và mất dần khách hàng nội địa truyền thống. Thương hiệu rau Đà Lạt chưa được “luật hóa” nên lao đao trong việc khẳng định sự “chính danh” trên thị trường trong và ngoài nước.

Sự yếu thế này đã đẩy cho vùng rau chuyên canh rau lớn nhất và và có thể nói là cao cấp nhất nước ta liên tục trong nhiều năm qua rơi vào thế khó. Người trồng rau quanh năm “ đánh bạc với trời ” và chỉ biết chờ sự “ may rủi ” từ thị trường. Chính quyền và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc giúp rau Đà Lạt trụ vững trước sóng gió như: phát triển sản xuất rau an toàn, chuyển đổi giống, đa dạng hóa sản phẩm...song điểm nghẽn “cốt tử” là khâu phân phối gắn với thương hiệu lại không có nhiều tiến triển. Vì vậy, ngoại trừ một số ít hợp tác xã, doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, nhà hàng lớn ở TP. Hồ Chí Minh, hơn 95% rau Đà Lạt trên thị trường vẫn bị đánh đồng với những rau có xuất xứ khác. Không ít sản phẩm đã không còn được biết đến là rau Đà Lạt khi đã được chế biến...


Hy vọng một sự bứt phá lớn

Nhãn hiệu rau Đà Lạt vừa được chứng nhận là một sự thành công lớn của thành phố này trong việc “tìm lại tên cho rau” và là một bảo chứng, một giấy thông hành cực kỳ quan trọng trong việc tìm vị thế cho rau Đà Lạt trên thị trường trong và ngoài nước.

Vị thế ấy không đơn thuần là cái nhãn hiệu được bảo hộ mà quan trọng hơn là ở những tiêu chuẩn của các loại sản phẩm muốn được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Tiêu chuẩn ấy buộc các tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh rau tại TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận (được đăng ký nhãn hiệu rau Đà Lạt) phải có hoạt động trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh rau an toàn thực sự, phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về sản xuất kinh doanh rau an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc có giấy chứng nhận sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp…

Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ thường xuyên kiểm tra sản phẩm của những đơn vị được cấp giấy chứng nhận. Nếu sản phẩm không còn đạt các tiêu chí, đơn vị sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận. Với những tiêu chuẩn này, người tiêu dùng thực sự an tâm về chất lượng, mức độ an toàn khi sử dụng rau Đà Lạt.

Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty Đà Lạt Gap hồ hởi nói: Với nhãn hiệu “rau Đà Lạt” trên sản phẩm, chúng tôi tin rằng từ nay, rau Đà Lạt sẽ có lợi thế rất lớn trong cạnh tranh trên thị trường, không còn bị ép như trước nữa. Điều này mang lại rất nhiều cái lợi lớn như mở rộng được thị trường trong và ngoài nước, tạo được đầu ra lớn, nâng giá trị kinh tế cho các sản phẩm, tăng thu nhập cho người trồng và sản xuất, chế biến rau…Những triển vọng mới cho việc sản xuất nông nghiệp xanh, sạch trong trồng rau ở Đà Lạt được mở ra, đồng thời giúp cho Đà Lạt và các phụ cận có điều kiện bền vững để phát triển mạnh ngành trồng và chế biến rau.

Lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt cũng tin tưởng từ nay, việc “biến hóa” các sản phẩm rau không có xuất xứ Đà Lạt thành “rau Đà Lạt” sẽ nhanh chóng được hạn chế đến mức thấp nhất. Người tiêu dùng sẽ an tâm không còn sợ “mua nhầm hàng giả”, qua đó sẽ giúp cho Đà Lạt nâng cao được sản lượng rau được tiêu thụ và tăng giá trị hàng hóa.

Một triển vọng lớn nữa là phạm vi vùng trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh rau an toàn mang nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt” không chỉ ở Đà Lạt mà còn bao trùm các vùng phụ cận có điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất… tương đương với Đà Lạt như các vùng chuyên canh rau: Liên Nghĩa, Phú Hội (huyện Đức Trọng), Thạnh Mỹ, Ka Đô, Quảng Lập (huyện Đơn Dương) và huyện Lạc Dương. Như vậy, vùng sản xuất rau được mang nhãn hiệu “ Rau Đà Lạt” hiện trên 40 nghìn ha với tổng sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/ năm, tiếp tục khẳng định là vùng chuyên canh rau thương phẩm lớn nhất nước ta trong thời gian tới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để “ Rau Đà Lạt” đủ lực có những hợp đồng lớn từ các đối tác trên thế giới.


Cần có sự phối hợp tốt, liên tục giữa chủ thể sản xuất, chế biến rau với các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và cấp giấy chứng nhận.

Hiện đã có 10 đơn vị được cấp chứng nhận( với khoảng 20 sản phẩm các loại như bắp cải, cải thảo, sú lơ, bó xôi, ớt ngọt, hoa atiso, hành tây… ). Đó là các doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến rau lớn ở Đà Lạt như Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh Organik Lâm Đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đà Lạt GAP...; các hợp tác xã, tổ hợp tác như hợp tác xã rau an toàn Xuân Hương - Đà Lạt, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Tổ hợp hợp tác sản xuất rau an toàn Đạ Ròn... Điều này cho thấy, mọi đơn vị, hộ nông dân… đều có khả năng được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “ Rau Đà Lạt ”.

Vấn đề còn lại hiện nay là tổ chức quản lý sản xuất, cấp giấy chứng nhận, kiểm tra việc tuân thủ theo giấy chứng nhận… “Điều này cần có sự phối hợp tốt, liên tục giữa chủ thể sản xuất, chế biến rau với các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và cấp giấy chứng nhận” – Ông Phạm S (Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng) trao đổi. Trong sự phối hợp này, yếu tố chính vẫn là trách nhiệm của những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân… trực tiếp sản xuất, chế biến rau và đặc biệt là trong việc đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng cho những sản phẩm được dán tem “rau Đà Lạt” trên thị trường.

Hiện nay diện tích trồng rau được công nhận là sản xuất rau an toàn, sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn chiếm tỉ lệ khá thấp. Vì vậy, cần tăng nhanh diện tích này để lượng rau ra thị trường nhiều và điều này cũng sẽ giúp cho thương hiệu rau Đà Lạt ngày càng được người tiêu dùng nhớ đến, tìm mua.

Phan Văn Đông