06:10 07/06/2012

Triển vọng kinh tế Mỹ chưa sáng

Đối mặt với một thị trường lao động ảm đạm, nhiều chuyên gia kinh tế đã bắt đầu tỏ ý bi quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ và không nghĩ rằng tổng sản phẩm quốc nội của nước này sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay.

Đối mặt với một thị trường lao động ảm đạm, nhiều chuyên gia kinh tế đã bắt đầu tỏ ý bi quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ và không nghĩ rằng tổng sản phẩm quốc nội của nước này sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay. Trong khi mới chỉ cách đây vài tuần, một số chuyên gia đã điều chỉnh nâng dự báo của họ về sức tăng của nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

 

Báo cáo đáng thất vọng về thị trường trong tháng 5/2012 khiến chuỗi thống kê yếu ớt về thể trạng kinh tế Mỹ dài thêm. Đó là: hoạt động chế tạo chậm lại, lòng tin tiêu dùng giảm và thị trường nhà đất trầm lắng. Ngoài ra, những khó khăn chồng chất của châu Âu và nhiều nơi khác đã làm gia tăng các mối quan ngại của các chuyên gia kinh tế.

 

Hàng hóa được bày bán tại trung tâm mua sắm ở Columbia, Maryland. Ảnh: AFP/TTXVN

 

JPMorgan Chase đã mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý III/2012 xuống 2%/năm, so với mức 3% đưa ra ban đầu, với lý do hoạt động tuyển dụng lao động giảm và xuất khẩu của Mỹ có thể sa sút do sức tăng trưởng tại các thị trường nước ngoài chậm lại. Hiện JPMorgan Chase dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2012 là 2,1%, so với con số đưa ra trước đó là 2,3%.

 

Julia Coronado, chuyên gia kinh tế tại chi nhánh của BNP Paribas ở Niu Yoóc cũng hạ dự báo về nhịp độ tăng trưởng của Mỹ từ 2,4% xuống 2,2% cho cả năm 2012.

 

Báo cáo hôm 1/6 về thị trường lao động Mỹ khiến Macroeconomic Advisers và ngân hàng Thụy Sĩ UBS đồng loạt hạ dự báo về nhịp độ phát triển của nền kinh tế này. Còn Scott Anderson, chuyên gia kinh tế tại Wells Fargo Securities cho biết, Wells Fargo có thể cũng sẽ hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Theo thống kê, kinh tế Mỹ chỉ tạo được thêm được 69.000 việc làm trong tháng 5/2012, ghi dấu mức thấp nhất trong 1 năm. Ngoài ra, số việc làm mới của hai tháng trước đó cũng thấp hơn nhiều so với tiên lượng. Và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 8,1% lên 8,2% - đợt tăng đầu tiên kể từ tháng 6/2011.

 

Theo nguyên tắc chung, nền kinh tế cần tăng trưởng khoảng 2,5% để kiến tạo được lượng việc làm đáp ứng sự tăng trưởng về dân số và tránh để thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, quý I/2012, kinh tế Mỹ chỉ tăng 1,9%/năm, so với mức tăng 3% của quý IV/2011.

 

Hoạt động thuê nhân công chững lại, có nghĩa là chi tiêu tiêu dùng - đóng góp khoảng 70% cho nền kinh tế - sẽ giảm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng có xu hướng làm giảm niềm tin. Và hiện tượng này có thể khiến hoạt động chi tiêu giảm hơn nữa. Theo thống kê của chính phủ, thu nhập của người Mỹ chỉ tăng 0,2% trong tháng 4/2012 - mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.

 

Những báo cáo u ám kéo dài tới ngày 4/6: các công ty Mỹ giảm lượng đơn đặt hàng công nghiệp trong tháng thứ hai liên tiếp. Và trên hết đó là cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu đang tồi đi. Nếu Hy Lạp rời bỏ đồng euro, châu Âu có thể bước vào một giai đoạn hỗn độn, khi các nền kinh tế lớn hơn trong Eurozone, như Tây Ban Nha và Italia, cũng phải từ bỏ đồng tiền chung này.

 

Cuộc khủng hoảng của châu Âu có thể khiến hoạt động xuất khẩu của Mỹ sa sút. Hiện 20% kim ngạch xuất khẩu của Mỹ có điểm đến là châu Âu. Tâm lý lo ngại về sự sụp đổ của đồng eruo là một nhân tố khiến chỉ số S&P 500 giảm gần 10% kể từ phiên 2/4 tới nay. Giá cổ phiếu sụt đã đánh vào niềm tin của người tiêu dùng và làm giảm hoạt động chi tiêu.

 

Sức tăng tại các nền kinh tế lớn thuộc nhóm nước đang phát triển, như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin cũng yếu đi. Các nước này là những thị trường lớn đối với máy công nghiệp nặng của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng xuất khẩu ngô, đậu tương và một số ngũ cốc khác sang Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ cũng đang được hưởng một số nhân tố tích cực: giá xăng dầu giảm, tỷ lệ thế chấp ở mức thấp kỷ lục, nhiều người Mỹ đang mua nhà, các nhà thầu đã tăng đầu tư cho xây dựng và doanh số bán ô tô tăng.

 

Theo Maury Harris, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại UBS, báo cáo về thị trường việc làm trong tháng 5/2012 cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang lo ngại về triển vọng kinh tế. Nhưng hiện người tiêu dùng vẫn muốn chi tiêu. Chuyên gia Harris dự báo chi tiêu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng và tiếp sức cho các doanh nghiệp vào mùa Thu tới.

 

Hương Giang (Theo AP)