02:18 01/02/2023

Triển vọng cho tăng trưởng toàn cầu khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Trung Quốc mở cửa trở lại là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế thế giới, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, bù đắp cho sự suy yếu ở châu Âu và nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ. Đây là nhận định trong bài viết trên trang tin Bloomberg Economics.

Chú thích ảnh
Cảng container ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 30/1/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tác giả, giá đồng thế giới đã tăng trên 9.000 USD/tấn và mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Trong khi đó, các hãng đã bắt đầu chuyển động cùng Trung Quốc. Air New Zealand bổ sung các chuyến bay đến Thượng Hải. Giá cổ phiếu của nhà bán lẻ xa xỉ LVMH Moët  Hennessy Louis Vuitton đã tăng và tập đoàn sản xuất đồng hồ hàng đầu thế giới Swatch Group cho biết họ có thể đạt doanh số kỷ lục khi Trung Quốc phục hồi. Việc Bắc Kinh mở cửa trở lại thậm chí còn được cho là sẽ rút ngắn thời kỳ suy thoái của Anh khi khách du lịch chi tiêu cao trở lại.

Dữ liệu cho thấy đà đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc đã tới điểm kết thúc khi làn sóng COVID-19 giảm bớt. Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều tăng trưởng trong tháng đầu năm nay và lần đầu tiên tăng trong 4 tháng qua. Bên cạnh đó, những dấu hiệu sớm từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho thấy chi tiêu của người dân cho du lịch đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghệ và bất động sản hết sức quan trọng càng thúc đẩy tinh thần lạc quan.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định việc Trung Quốc từ bỏ chính sách “Không COVID” là yếu tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo tác động của chính sách này đối với vấn đề lạm phát.

Theo Bloomberg, không giống như năm 2009, khi gói kích thích trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ (NDT - 593 tỷ USD) của Trung Quốc đã "kích hoạt" đà phục hồi, năm nay, động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể khiến lạm phát gia tăng vào đúng thời điểm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác nỗ lực kiểm soát giá cả.

Bloomberg dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc từ 3% năm 2022 lên 5,8% vào năm 2023. Sau khi tính toán mối liên hệ giữa tăng trưởng của Trung Quốc, giá năng lượng và lạm phát toàn cầu, hãng này nhận thấy giá tiêu dùng toàn cầu có thể tăng gần 1 điểm phần trăm trong quý IV/2023. Nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh hơn dự báo, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng vọt lên 6,7%, giá tiêu dùng sẽ tăng gần 2 điểm phần trăm.

TTXVN/Báo Tin tức