12:10 18/12/2014

Triển vọng chiến lược năng lượng Bắc Mỹ

Bộ trưởng năng lượng các nước Bắc Mỹ sẽ gặp nhau trong những ngày tới tại Washington để bàn về chiến lược cạnh tranh lục địa trong lĩnh vực năng lượng.

Bộ trưởng năng lượng các nước Bắc Mỹ sẽ gặp nhau trong những ngày tới tại Washington để bàn về chiến lược cạnh tranh lục địa trong lĩnh vực năng lượng. Nhiệm vụ của lãnh đạo năng lượng các nước Mỹ, Canada và Mexico là thúc đẩy chiến lược chung về năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng, công nghệ đổi mới và thương mại trong ngành năng lượng.

Các bộ trưởng năng lượng Bắc Mỹ sẽ đưa ra chiến lược phù hợp với các thách thức của thế giới đầy biến động bao gồm, thứ nhất nguồn cung năng lượng tăng lên, trong khi nhu cầu này giảm xuống. Giá dầu mỏ đã giảm 1/3 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Bắc Mỹ cần tiếp cận các quy định về năng lượng để có thể phát triển.


Theo giới quan sát, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi không còn là yếu tố chi phối chính. Thay vào đó, chính sự gia tăng nguồn cung dầu khí ở Mỹ - hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới - và sản xuất dầu của Canada mới có tính quyết định. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng giảm đi có tác động lớn tới sự phát triển của Mexico và Canada. Giá dầu thấp hơn cũng phá vỡ kế hoạch thu nhập của các chính phủ.

Thứ hai là sự chuyển đổi trên bàn cờ địa chính trị năng lượng. Châu Âu muốn thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và Trung Đông nhưng cơ sở vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ Bắc Mỹ tới châu Âu vẫn cần nhiều năm nữa để hoàn thiện. Tuy nhiên, giá dầu giảm cho thấy các nước trong OPEC bị chia rẽ và không còn đóng vai trò chỉ huy, trong lúc ảnh hưởng của Nga đang giảm xuống cùng với sự rớt giá của đồng rúp.

Thứ ba là áp lực của tình trạng biến đổi khí hậu. Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) dự đoán năm 2014 sẽ là năm nắng nóng kỷ lục, đồng thời cho biết 14/15 năm nóng nhất trong lịch sử xảy ra trong thế kỷ 21.

Bắc Mỹ đang trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng” và không có gì thay đổi, kể cả khi có các chính phủ mới. Do vậy, việc xác định những thành tựu và đổi mới hiện thời của ngành năng lượng Bắc Mỹ để tận dụng trong xây dựng chiến lược đóng vai trò rất quan trọng.

Cụ thể, Bắc Mỹ cần phối hợp thông tin về diễn biến năng lượng. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đang làm tốt việc cung cấp thông tin toàn diện về xu hướng năng lượng quốc gia. Hoạt động liên minh mạnh mẽ hơn với các cơ quan tương tự của Canada và Mexico có thể đưa ra triển vọng năng lượng lục địa, giúp các chính phủ quyết định đầu tư và lựa chọn thông minh các cơ sở hạ tầng năng lượng.  

Bên cạnh đó, Bắc Mỹ cần tiếp cận các quy định về năng lượng để có thể phát triển. Thực tế, vựa dầu Alberta của Canada đầu tháng 12 vừa qua đã áp dụng hệ thống kiểm soát khép kín vòng đời dầu cát có tên gọi “Điều tiết năng lượng Alberta” (AER) và kỳ vọng đây sẽ trở thành hệ thống kiểm soát năng lượng tốt nhất thế giới. Cơ quan điều tiết năng lượng của Mexico - Ủy ban quốc gia về dầu khí (CNH) - tháng 6/2014 đã ký thỏa thuận cộng tác với AER nhằm triển khai cách quản lý tốt nhất trong phát triển nguồn tài nguyên năng lượng.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo năng lượng Bắc Mỹ cần khuyến khích ngành năng lượng ở mỗi nước tìm ra cách thức hoạt động tốt nhất, thiết lập tiêu chuẩn lục địa chung và có thể đưa các tiêu chuẩn này ra Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Paris vào tháng 12/2015. Các bộ trưởng năng lượng cũng cần tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nhiều hứa hẹn như nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và (thải ra khí có) cacbon thấp.

Vào tháng 2/2014 trong hội nghị thượng đỉnh ở Mexico, lãnh đạo các nước Bắc Mỹ đã ra tuyên bố với tên gọi “Xây dựng khu vực cạnh tranh và năng động nhất trên thế giới”. Điều này có thể quá táo bạo nhưng công cuộc cải cách tham vọng của Mexico, cam kết đổi mới của ngành năng lượng lục địa và sự chuyển đổi địa chính trị đang tạo ra cơ hội mới. Một chiến lược năng lượng ở Bắc Mỹ sẽ là bước nhảy vọt lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế lục địa.


Viên Thị Luyến (P/v TTXVN tại Canada)