08:19 31/08/2017

Triền Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo, Nhật Bản đối mặt với lựa chọn khó khăn

Theo chuyên gia, việc Quân đội Nhân dân Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ở khía cạnh nào đó giống như một quả bóng thăm dò. Nếu Nhật Bản không có phản ứng đáng kể, Bình Nhưỡng sẽ lấn tới, nhưng Tokyo hiện chỉ sở hữu những hệ thống phòng thủ tên lửa với các loại tên lửa đánh chặn dường như không có hữu dụng mấy trong việc ngăn chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một vụ thử tên lửa. Ảnh: KCNA

Trong những buổi thử nghiệm lần trước, tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên gần như chỉ phóng thẳng lên trời và bay được khoảng vài trăm km.

Tuy nhiên, hiện tại Triều Tiên đã bước vào thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa bay theo quỹ đạo thông thường. Điều này đồng nghĩa với việc tên lửa Triều Tiên sẽ bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Theo Mike Elleman – một chuyên gia tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, lần triển khai phóng thử tên lửa này có yêu cầu về mặt kỹ thuật. “Họ muốn có thể đánh giá khả năng quay trở lại vào khí quyền của tên lửa cũng như mức độ hiệu quả của tên lửa khi được phóng theo quỹ đạo thông thường”.

Với nhu cầu thực hiện những buổi thử nghiệm bay qua Nhật Bản, nếu Tokyo không đáp trả với hành động mạnh mẽ cứng rắn thì Bình Nhưỡng không có lý do gì mà không tiến hành thêm.

Chuyên gia Elleman giải thích: “Xét theo một khía cạnh, đó giống như một quả bóng thăm dò. Nếu chúng ta phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, chuyện gì sẽ xảy ra? Với phản ứng không quá đáng kể, Triều Tiên sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc phóng tên lửa Hwasong-14 đạt được khoảng cách xa để chứng thực khả năng với quỹ đạo thông thường”.

Tal Inbar – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Không gian thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ và Hàng không Fisher nhận định: “Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua Nhật Bản là một điểm tựa Ác-si-mét đối với Mỹ. Không có hành động thực sự - và chúng ta sẽ sớm nhìn thấy nhiều tên lửa được phóng như vậy”.

Hiện Nhật Bản đang sở hữu 2 hệ thống phòng thủ tên lửa gồm hệ thống PAC-3 trên đất liền và hệ thống Aegis BMD trên biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, cả hai hệ thống này đều dường như không có hữu dụng mấy khi ngăn chặn tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. 

Trong khi PAC-3 chỉ có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình trong giai đoạn cuối thì Aegis BMD lắp đặt trên các tàu chiến chỉ có thể chặn được một vụ tấn công tên lửa đạn đạo khi hệ thống nằm sẵn trong đường bay, chứ còn nếu là một cuộc tấn công bất ngờ thì khó có thể đạt hiệu quả cao.

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa đi qua lãnh thổ Nhật Bản. Ngày 1/9/1998, giới chức quân sự Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định Triều Tiên đã phóng tên lửa Taepodong-1 từ Wonsan có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay qua Nhật Bản mà không có cảnh báo trước.

Hãng thông tấn Kyodo News trích lời quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa tin tầng nhiên liệu của tên lửa đã rơi xuống biển, trong khi phần còn lại đã bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương.

Hành động thử tên lửa này của Bình Nhưỡng đã buộc chính phủ Nhật Bản đánh giá là “cực kỳ nguy hiểm” và rút khoản hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân dân sự tại nước này trong năm đó.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức