06:20 27/06/2014

Triển lãm ảnh về các dân tộc Việt Nam tại Thượng viện Pháp

Triển lãm ảnh "Việt Nam - thống nhất trong đa dạng - 54 khuôn mặt và trang phục của các dân tộc Việt Nam" đã được khai mạc trọng thể tại trung tâm Paris, với sự có mặt của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao Pháp.

Triển lãm ảnh "Việt Nam - thống nhất trong đa dạng - 54 khuôn mặt và trang phục của các dân tộc Việt Nam" đã khai mạc trọng thể ngày 26/6 tại khuôn viên Thượng viện Pháp, với sự có mặt của nhiều nhà lãnh đạo cấp cao Pháp.

Triển lãm do Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) và Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) phối hợp với Viện Pháp (IF) tổ chức, trưng bày gần 100 bức ảnh thời sự-nghệ thuật về các dân tộc Việt Nam của hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Pháp là Lê Vượng và Sébastien Laval.


Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Jean-Pierre Bel, Chủ tịch Thượng viện Pháp, đã bày tỏ vinh dự khi một triển lãm quy mô giới thiệu sự đa dạng về bản sắc và sự độc đáo trong các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc Việt Nam được tổ chức trong khuôn viên Thượng viện. Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhằm thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đặc biệt trong năm giao lưu Việt-Pháp 2013-2014.

Chủ tịch Thượng viện Pháp Jean-Pierre Bel phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm. Ảnh: Tiến Nhất-Nguyễn Tuyên/TTXVN


Theo ông Bel, những bức ảnh chân dung người lao động, những cảnh sinh hoạt đời thường, các trang phục, các nghi thức tín ngưỡng… đã khắc họa rõ nét đặc thù và truyền thống văn hóa, những yếu tố đã trở thành ký ức và di sản văn hóa mà các dân tộc cần phải bảo tồn và gìn giữ.

Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), đã nêu bật tính nhân văn được chuyển tải qua các bức ảnh và lao động nghệ thuật sáng tạo của hai nghệ sĩ Lê Vượng và Sébastien Laval. Theo ông, các bức ảnh được thực hiện về cùng một chủ đề, nhưng với hai cách nhìn khác nhau, đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp của Việt Nam, cho phép công chúng nắm bắt được tâm hồn và sự tinh túy của nền văn hóa Việt Nam, cũng như lao động miệt mài và sự say mê nghệ thuật của hai nghệ sĩ.

Công chúng Pháp khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam qua các bức ảnh trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Tiến Nhất-Nguyễn Tuyên/TTXVN


Ông nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện được tổ chức dưới sự bảo trợ của các cơ quan cấp cao của Pháp, cũng như những tình cảm đặc biệt của Chính phủ và người dân Pháp dành cho Việt Nam: "Lần đầu tiên Việt Nam được vinh danh tại khu Orangerie, một địa điểm nổi tiếng của Thượng viện Pháp, nằm trong khu vườn tuyệt đẹp là vườn Luxembourg. Triển lãm hôm nay là một minh chứng sinh động về tình hữu nghị Việt-Pháp đã được vun đắp trong suốt 40 năm qua. Lịch sử đã gắn kết hai dân tộc Việt Nam và Pháp bởi những mối quan hệ sâu sắc giữa con người và văn hóa.

Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt đó đã được phát triển lên tầm đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2013". Đại sứ cũng đề cao sự đa dạng đã hình thành nên nét đặc thù của nền văn hóa Việt Nam và khẳng định: "Trên thế giới không có nền văn hóa lớn hay nhỏ mà chỉ có nền văn hóa và sự đa dạng của nó. Đó chính là những yếu tố mà Việt Nam và Pháp cùng quan tâm bảo vệ và gìn giữ, không chỉ giữa hai nước mà còn tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại UNESCO".

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Sébastien Laval, người gần 20 năm qua đã rong ruổi trên những con đường từ Bắc chí Nam, đến tận những vùng miền xa xôi mà khách du lịch không đặt chân tới để chụp những bức ảnh đen trắng về các dân tộc Việt Nam, cho biết: "Tôi khám phá Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1995. Đây là lần đầu tiên tôi rời nước Pháp nên tôi đã gặp phải một cú sốc văn hóa, tuy nhiên tôi bắt đầu thực sự yêu Việt Nam và quay lại nhiều lần. Những bức ảnh trưng bày tại đây đã được chụp trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2014".

Triển lãm cũng dành một phần để giới thiệu bộ sưu tập phong phú gồm trang phục truyền thống của 20 dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng… Đây là bộ sưu tập của ông Alain Dussarps, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp Việt, người đã dành một tình yêu lớn cho Việt Nam, thông qua hơn 300 dự án mà Hiệp hội hợp tác kỹ thuật và văn hóa với Việt Nam (ACOTEC) do ông làm Chủ tịch, triển khai từ năm 1992 đến nay.

Đông đảo công chúng đến dự đã bày tỏ ấn tượng và cảm xúc sâu sắc khi được khám phá những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Mở cửa trong hai tuần, từ ngày 25/6 đến 6/7, triển lãm được kỳ vọng sẽ đem đến cho người xem cái nhìn tổng quan về cộng đồng các dân tộc Việt Nam, về vẻ đẹp đất nước - con người và văn hóa Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp.


Bích Hà (Phóng viên TTXVN tại Paris)