10:14 16/10/2019

Triển khai Luật phòng chống tác hại rượu, bia: Còn nhiều nội dung khó thực thi

Tại các đình đám ở nông thôn, người dân sử dụng nhiều loại đồ uống lên men có cồn… đang “làm khó” việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Nếu chỉ riêng Bộ Y tế quản lý sẽ không thể “kham” nổi mà cần sự chung tay của nhiều bộ ngành có liên quan.

Chú thích ảnh
Nhiều vấn đề được đưa ra trao đổi tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. 

Đóng góp ý kiến tại hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cho rằng: Để đưa Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vào thực tế; nếu riêng Bộ Y tế sẽ không thể làm được, mà cần rất nhiều các đơn vị cùng triển khai mới hiệu quả.

“Trong quá trình tôi đi tiếp xúc cử tri, từng có người băn khoăn rằng ở nông thôn không có các phương tiện công cộng, taxi cũng không sẵn nên người dân bắt buộc phải tự lái xe; trong khi đó, hiếu hỉ nào cũng có rượu, bia, vậy làm thế nào để thực hiện được đúng luật cấm tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông? Trước câu hỏi này chúng tôi không biết trả lời ra sao, cho thấy còn rất nhiều khó khăn để triển khai Luật trên thực tế”, đại biểu Bùi Sỹ Cương chia sẻ.

Theo đó, nội dung Luật đã có nhiều quy định cụ thể, tuy nhiên, dù đã giao Bộ Y tế triển khai, hay thành lập các tổ liên ngành để thực hiện, nhưng nếu công tác phối hợp lỏng lẻo cũng khó mang lại kết quả. Đặc biệt, việc thực hiện cũng không nên trông chờ vào phát hiện, xử phạt mà quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người dân có ý thức tự giác thực hiện.

Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vẫn còn nhiều tranh cãi trên thực tế. Đơn cử như quy định cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thởgây nhiều ý kiến băn khoăn về việc không sử dụng rượu bia nhưng ăn trái cây, uống đồ uống trái cây lên men cũng vẫn có cồn trong máu.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Trên thực tế, nhiều loại trái cây có đường như nho, sầu riêng dễ tạo nồng độ cồn trong cơ thể nhưng tỷ lệ này rất nhỏ, không đáng kể. Với các thực phẩm, đồ uống lên men, có cồn cũng được điều chỉnh trong Luật. Với những trường hợp này, Bộ Y tế sẽ phổ biến để lực lượng chức năng biết với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì không xử phạt. Trong triển khai Luật sẽ còn nhiều vấn đề phải thống nhất quan điểm, mục tiêu cho phù hợp".

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Việc xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cũng đã gặp rất nhiều khó khăn vì thói quen uống rượu, bia đã ăn sâu vào người Việt, khó có thể thay đổi; vì vậy việc tuyên truyền, thay đổi ý thức người dân được coi là quan trọng hàng đầu, trong đó, đặc biệt tập trung giảm tiếp cận với rượu, bia với thế hệ trẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Do đó, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng, chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Tin, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức