01:13 17/01/2015

Triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2015

Năm 2015, Tổng cục Dạy nghề sẽ tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Năm 2015, Tổng cục Dạy nghề sẽ tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tổng Cục dạy nghề sẽ tập trung xây dựng 32 văn bản hướng dẫn các điều, khoản quy định trực tiếp trong Luật Giáo dục nghề nghiệp (03 Nghị định, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 25 Thông tư); tuyên truyền phổ biến Luật Giáo dục nghề nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổng cục theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.


Sẽ tập trung triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp


Ông Dương Đức Lân cho biết: Một trong những điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp là sự hợp nhất hệ thống trường cao đẳng, trung cấp và cao đẳng nghề, trung cấp cấp nghề làm một. Đây là điều tất yếu trong quá trình hội nhập trong việc xây dựng khung trình độ chung Asean sẽ được triển khai từ năm 2015. Về mặt quản lý, Bộ LĐTBXH sẽ chỉ quản lý về mặt nhà nước đối với các bậc đào tạo này chứ không quản lý chuyên môn đào tạo thay các bộ chuyên ngành. Do đó, trong văn bản để cụ thể hóa Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ quy định rõ Bộ GDĐT vẫn quản lý về chuyên môn đào tạo của ngành sư phạm, Bộ Y tế vẫn quản lý về chuyên môn đào tạo của ngành y tế.


Cũng theo Tổng cục Dạy nghề, thực tế là hàng trăm cử nhân đại học ra trường thất nghiệp và khó tìm việc trong khi tỷ lệ có việc làm của học sinh trường nghề lên tới gần 80% và điều này đã tạo thuận lợi trong thu hút học sinh vào trường nghề trong năm 2014.


Bà Mai Thúy Nga, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Bức tranh về dạy nghề đang có sự phân hóa rõ nét, có những trường hoạt động hiệu quả nhưng nhiều trường hoạt động không hiệu quả. Bộ LĐTBXH đang hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng - trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên... để tổng hợp và lập quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trình thủ tướng phê duyệt.


“Hướng tới là các trường tự chủ về mặt tài chính, việc cấp tài chính cho các trường dựa trên kết quả đầu ra. Trong ngân sách nhà nước cấp cho mảng giáo dục, đào tạo, trong đó có dạy nghề nói riêng, thì 92% ngân sách cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, mảng dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề chỉ chiếm 8%”, ông Dương Đức Lân cho biết.


Xuân Cường