02:19 21/02/2025

Triển khai đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên 'thần tốc' như 500 kV mạch 3

Dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên là dự án trọng điểm trong việc truyền tải điện mua từ Trung Quốc, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và phục vụ phụ tải tăng cao các năm tới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2 con số trong những năm tiếp theo.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khởi công trong tháng 2/2025, hoàn thành dự án trong 6 tháng kể từ khi khởi công (chậm nhất đến tháng 9 năm 2025 phải hoàn thành). Vì vật, quá trình triển khai phải "thần tốc" như 500 kV mạch 3. Để đảm bảo tiến độ trước ngày 30/8/2025 hoàn thành, đòi hỏi chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần làm rốt ráo, chi tiết hơn.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và truyền tải điện mua từ Trung Quốc phục vụ phụ tải tăng cao các năm tiếp theo.

Trước đó, ngày 3/1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 (Chỉ thị 01), trong đó giao EVN khẩn trương khởi công, phấn đấu hoàn thành dự án trong 6 tháng (chậm nhất đến tháng 9/2025 phải hoàn thành).

Dự án được EVN giao Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) thực hiện quản lý, có tổng mức đầu tư khoảng 7.411 tỷ đồng, điểm đầu là Trạm biến áp 500kV Lào Cai, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, với chiều dài khoảng 229,5 km đi qua địa phận 4 tỉnh và 12 huyện, tổng diện tích chiếm đất bởi chân móng cột điện là 63,03 ha, ảnh hưởng đến 2.189 hộ dân, trong đó có 248 hộ phải tái định cư.

Theo EVN, dự án có tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng là 51,58 ha (4,92 ha rừng tự nhiên và 46,67 ha rừng trồng), thuộc thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng của các tỉnh, cụ thể: Lào Cai (13,93 ha rừng trồng); Yên Bái (2,74 ha rừng tự nhiên và 17,32 ha rừng trồng); Phú Thọ (7,88 ha rừng trồng) và Vĩnh Phúc (2,18 ha rừng tự nhiên và 7,54 ha rừng trồng).

EVN đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể của Dự án tại Quyết định số 24/QĐ-HĐTV ngày 16/1/2025. Đến nay, đã hoàn thành lập, thẩm tra, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu tất cả các gói thầu PC (cung cấp cột thép và xây lắp), cung cấp vật tư thiết bị (nhất thứ, nhị thứ, dây dẫn, cáp quang, cách điện, phụ kiện). Trong đó, các gói thầu xây lắp mở thầu ngày 23/2/2025, dự kiến hoàn thành đánh giá hồ sơ mời thầu, ký kết hợp đồng trước ngày 5/3/2025.

Về khó khăn, vướng mắc, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đang gặp một số khó khăn vướng mắc, nhất là nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng của các huyện có dự án đi qua (thời gian xác định giá đất cụ thể từ 2-3 tháng, thời gian niêm yết công khai phương án bồi thường 30 ngày, thời gian bổ sung, hoàn thiện PABT 60 ngày…), nguy cơ không đáp ứng được tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án vào cuối tháng 2/2025, cũng như có mặt bằng để triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến ngay sau khi ký kết hợp đồng các gói thầu xây lắp.

Cùng với đó, công tác kiểm đếm móng cột qua địa bàn các tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, do chưa có huyện nào hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể, nên chưa thể áp giá và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, làm cơ sở chi trả tiền cho người dân để bàn giao mặt bằng cho dự án. Hiện nay, mới có 2 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên của tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự toán phương án án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án tạm tính), đã chi trả tiền cho người dân; huyện Sông Lô của tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt phương án án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án tạm tính); các huyện còn lại (Yên Bái: 2 huyện; Phú Thọ: 3 huyện; Vĩnh Phúc: 4 huyện) đang lập phương án.

Về hành lang tuyến, quá trình thống kê, kiểm đếm hành lang gặp vướng mắc tại một số khoảng cột (chủ sử dụng trên bản đồ địa chính và chủ sử dụng thực tế khác nhau; tọa độ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác với vị trí sử dụng). Nhiều hộ dân có ý kiến về đơn giá hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất thấp và đề nghị có cơ chế hỗ trợ thêm (một số vị trí trên đỉnh đồi không tiếp tục được trồng cây lâu năm, phải chuyển sang trồng cây hàng năm để đảm bảo khoảng cách an toàn). Việc lập phương án tái định cư cho các hộ có đất ở, nhà ở trong hành lang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm vị trí để tái định cư xen ghép hoặc tập trung.

Về vị trí bãi đổ thải, hiện còn 5/12 huyện chưa thỏa thuận vị trí bãi đổ thải (huyện Lục Yên - Yên Bái; huyện Đoan Hùng và Thanh Ba – Phú Thọ; huyện Tam Đảo, Lập Thạch – Vĩnh Phúc). Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo tình hình kết quả thực hiện công tác đo vẽ bản đồ địa chính và cắm mốc chân cột, hành lang tuyến để phục vụ công tác triển khai dự án.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên là công trình trọng điểm ngành điện để giải tỏa công suất cho các tỉnh Tây Bắc, sẵn sàng nhập khẩu điện khi cần thiết từ Trung Quốc. Đây cũng là công trình được Chính phủ xác định phải tiến hành trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày khởi công.

Để đảm bảo hoàn thành, trong thời gian tới, đề nghị UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và EVN quyết liệt huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để chỉ đạo triển khai và giải phóng mặt bằng để hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình thi công; phát huy tinh thần của tỉnh Lào Cai và Vĩnh Phúc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân trong khu vực dự án đồng thuận và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bàn giao mặt bằng, thi công, bảo vệ dự án khi đi vào hoạt động.

Cùng với đó, khẩn trương xem xét việc triển khai song song, đồng thời tất cả các công việc có liên quan để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi trả tiền cho người dân và vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, phấn đấu bàn giao mặt bằng các vị trí móng trong tháng 2/2025. Hành lang tuyến đề nghị bàn giao trong tháng 3/2025 với tinh thần khẩn trương quyết liệt, nghiêm túc, quyết liệt.

“Nếu vướng về cơ chế, về luật pháp Chính phủ và Quốc hội sẽ xem xét. Tất cả những việc có thể làm là cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đồng chí sẽ tổ chức triển khai. Đề nghị EVN khởi công trong tháng 2, sau ngày khởi công phải triển khai đồng thời trên tất cả những vị trí hố móng, vị trí móng cột và đã được địa phương bàn giao để hoàn thành càng sớm càng tốt so với mốc ngày 31/8, vì đây là công trình chào mừng Quốc khánh mùng 2/9”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương chỉ đạo các chủ rừng khẩn trương lập phương án khai thác tận dụng, tận thu lâm sản để trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong tháng 2/2025 và làm các thủ tục liên quan thanh lý, đấu giá tài sản (nếu có), muộn nhất trước ngày 15/3. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc chỉ đạo UBND các huyện có văn bản chấp thuận vị trí bãi đổ thải trước ngày 10/3/2025.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh tỉnh Vĩnh Phúc ngày 20/2 đã hoàn thành chuyển mục đích sử dụng rừng và đề nghị chọn địa điểm này để tổ chức khởi công.

Bộ trưởng đề nghị EVN quyết liệt để cùng với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi trả tiền đền bù người dân và tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng; khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công ngay khi có mặt bằng và đủ điều kiện.

Về những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đề nghị EVN tổng hợp và đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, rà soát vướng mấc để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội để có được chủ trương và cơ chế để thực hiện. Từ ngày 21/2, các đơn vị liên quan giao ban 2 tuần/lần, để kịp thời phản ánh, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ. 

Thu Trang/Báo Tin tức