09:11 19/09/2011

Triển khai cung đường Tây Bắc: Tạo sản phẩm đặc trưng của một vùng du lịch

Hơn 1 năm sau khi ký chương trình khung hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, lần đầu tiên 8 tỉnh đã tổ chức chương trình khảo sát và đánh giá tính khả thi của chương trình hợp tác du lịch liên quan đến cung đường này.

Hơn 1 năm sau khi ký chương trình khung hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ), lần đầu tiên 8 tỉnh này đã tổ chức chương trình khảo sát và đánh giá tính khả thi của chương trình hợp tác du lịch liên quan đến cung đường này.

Những bước đi ban đầu

Trên các diễn đàn du lịch dành cho những người ưa khám phá, Tây Bắc luôn chiếm vị trí hàng đầu bởi sự trải nghiệm trên những cung đường hiểm trở đem lại cho du khách những cảm xúc khó quen. Minh Hoàng, một dân phượt tâm sự: “Đi Tây Bắc mới trải nghiệm được sự hùng vĩ của thiên nhiên. Đứng giữa cung đường đèo cao ngất lộng gió, đi vào những cánh rừng, thung lũng rộng lớn, mới thấy mình thật bé nhỏ; ngắm những ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải, Sa Pa, những nương ngô trên núi đá, mới thấy sức lao động của bà con đáng quý đến nhường nào…”. Đó là lý do mà những ai thích khám phá không thể không một lần đến với Tây Bắc.

Do nhiều nguyên nhân, du lịch vùng Tây Bắc từ trước đến nay vẫn phát triển “ỳ ạch”; mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm dẫn đến du lịch phát triển manh mún, tự phát và chưa thực sự tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, từ trước đến nay, ngoại trừ Sa Pa là điểm du lịch có tiếng hơn chục năm nay, nhìn chung du lịch khu vực Tây Bắc vẫn ở dạng tiềm năng, do còn nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch mới ở dạng sơ khai. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lai Châu, cho biết: Do khu vực Tây Bắc có nét tương đồng về văn hóa, nên sản phẩm du lịch của các tỉnh na ná nhau, nhất là du lịch cộng đồng nên nếu để du lịch của các tỉnh phát triển mang tính tự phát, riêng biệt từng tỉnh, thì sản phẩm sẽ dễ trùng lắp, dẫn đến nhàm chán. Chính vì vậy, vấn đề liên kết vùng được đặt ra cấp thiết, để tạo ra chuỗi sản phẩm mang tính đặc thù, đặc trưng của từng tỉnh.

Tạo sản phẩm có tính liên vùng

Bà Hoàng Thị Vượng, Phó phòng nghiệp vụ du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết: Trên cơ sở tập hợp nhu cầu phát triển du lịch của từng tỉnh, dự án cung đường Tây Bắc triển khai hơn 1 năm qua đã lên chương trình khung hợp tác 8 tỉnh với sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) giai đoạn 2011- 2015. Hiện các doanh nghiệp của 8 tỉnh đã có sự hợp tác, với khoảng 40 đơn vị tham gia, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, để du khách đến mỗi tỉnh Tây Bắc luôn thấy sản phẩm mới, không lặp lại.

Hùng vĩ cung đường Tây Bắc.


Bà Mai Thu Hương, Giám đốc Sở VH,TT&DL Sơn La, cho rằng: Là tỉnh có tiềm năng du lịch nhưng trong thời gian qua, lĩnh vực này chưa được đầu tư đúng mức. Sau khi ký kết chương trình hợp tác, bên cạnh việc thúc đẩy công tác quy hoạch, tỉnh cũng nghiên cứu cơ chế thu hút đầu tư về du lịch thông qua nghiên cứu học tập Lào Cai, là tỉnh phát triển du lịch nhất trong nhóm 8 tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác truyền thông qua chương trình “Qua miền Tây Bắc- Sơn La 2011” để tạo cú hích cho điểm nhấn Mộc Châu phát triển. Tỉnh Sơn La xác định Mộc Châu là sản phẩm đặc thù trong chuỗi sản phẩm liên kết với các tỉnh dọc quốc lộ 6, đồng thời đã đề xuất với Tổng cục Du lịch để biến nơi đây thành khu du lịch quốc gia trên cơ sở khai thác lợi thế về khí hậu, cảnh quan và ẩm thực. Từ gợi ý của doanh nghiệp du lịch, Sở VH,TT&DL Sơn La sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp của tỉnh tổ chức “Lễ hội hoa hậu bò sữa” rộng rãi hơn trong năm tới, dù xuất phát điểm là hoạt động này mang tính chuyên môn và mở rộng các dịch vụ để du khách tham gia như hoạt động chăn nuôi bò, vắt sữa bò.

Bà Mai Thu Hương kiến nghị: “Sự chỉ đạo tính liên kết vùng của Bộ VH,TT&DL và Tổng cục Du lịch cần nhiều hơn nữa, bởi sự liên kết vừa qua mới chỉ mang tính tự phát của từng tỉnh”. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lai Châu, cũng thừa nhận: “Lai Châu đang nỗ lực hỗ trợ việc nối tour từ Lào Cai sang Lai Châu, Điện Biên. Tuy nhiên, để tạo sản phẩm mang tính liên vùng cần có quy hoạch du lịch cụ thể toàn vùng như: Lai Châu phát triển sản phẩm du lịch nào? Điện Biên phát triển sản phẩm nào?… để có cơ chế thu hút đầu tư và cùng phát triển; từng tỉnh tách riêng sẽ không phát triển được”.

Ông Đoàn Văn Trì, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Điện Biên, cho rằng: Các tỉnh Tây Bắc đều khó khăn và cần có sự hợp tác để huy động sức mạnh trong việc quảng bá xúc tiến theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung”, đồng thời sự hợp tác cũng là để tránh sự trùng lặp. Ngoài liên kết với các tỉnh, Điện Biên cũng đã làm việc với Lào để hợp tác đưa khách từ Bắc Thái Lan và Lào qua Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành, khẳng định, tiềm năng về cảnh quan và sự đa dạng văn hóa cho phát triển du lịch vùng Tây Bắc là rất lớn, tuy nhiên khách quốc tế đến chưa nhiều. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch thời gian qua còn yếu, đầu tư manh mún, hạn chế về dịch vụ, hạ tầng lưu trú khách sạn, thiếu nguồn nhân lực. Do đó, liên kết các tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ tạo năng lực cạnh tranh, Tổng cục Du lịch rất ủng hộ cho dự án cung đường Tây Bắc. Chương trình khảo sát chỉ là bước đầu đặt dấu ấn cho mỗi vùng miền đi qua. Do đó, trước hết các tỉnh cần tăng cường liên kết quy hoạch, nếu không có quy hoạch sẽ phá vỡ tài nguyên phục vụ phát triển sau này. Bên cạnh đó, các tỉnh sớm liên kết phát triển giao thông và hạ tầng cơ sở gắn với quy hoạch điểm báo hiệu nguy hiểm; điểm dừng chân…

Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định, Tổng cục sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực qua dự án EU để tạo du lịch cấp huyện, xã. Tổng cục có chương trình xúc tiến du lịch và sẽ hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc quảng bá, xúc tiến tới các thị trường khách tiềm năng. Vấn đề là các tỉnh phải bố trí nguồn lực cùng với Tổng cục và SNV để sớm hình thành chương trình tour cung đường Tây Bắc. Tổng cục sẽ công nhận cung đường Tây Bắc là tour cấp quốc gia để cùng quảng bá, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Ông Trần Văn Khai, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ: Khảo sát cung đường Tây Bắc là bước đi đầu tiên để có quy hoạch vùng. Từ đó, các tỉnh xác định đầu tư điểm nào về hạ tầng, cũng như nguồn nhân lực. Với các doanh nghiệp là lập tour tuyến ra sao để tính khả thi cao. Dự án cung đường Tây Bắc phải thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp và có tính liên kết mới mang lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai: Tỉnh có chính sách để lại 1% thu ngân sách để phát triển du lịch. Từng tỉnh trong nhóm hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cần có kế hoạch hoạt động sớm hơn để sự phối hợp hiệu quả. Mỗi tỉnh không thể phát triển riêng lẻ mà phải liên kết để đa dạng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên cần sự chủ động từng tỉnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Hoạt động du lịch cộng đồng hiện vẫn mang tính tự phát, do đó, các tỉnh nên gắn đào tạo nguồn nhân lực từ chương trình đào tạo nghề cho nông thôn.

Ông Nguyên Hữu Thắng, Phó Giám Sở VH,TT&DL Yên Bái: Tổng cục Du lịch cần sớm công bố tour tuyến vòng cung Tây Bắc, duy trì đoàn khảo sát, để thông tin tới các hãng lữ hành về các sản phẩm du lịch hữu ích.

Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc chi nhánh Công ty Mai Phượng Vy: Thực tế, các doanh nghiệp Hà Nội đều triển khai tour đến khu vực Tây Bắc. Ngoại trừ Sa Pa (Lào Cai) và Mai Châu (Hòa Bình), hầu hết các điểm khác hiện mới chỉ thực hiện đưa đoàn khách nhỏ, thích khám phá. Để đưa những đoàn khách lớn hơn, rất cần sự hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để cùng ngồi bàn hướng khai thác, khả năng cung cấp dịch vụ từng đối tượng khách. Đơn vị quản lý nhà nước địa phương cần làm cầu nối để có những chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và các địa phương.


Xuân Cường (thực hiện)