07:22 22/07/2021

Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để đạt hiệu quả cao nhất

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, ngày 22/7, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã triển khai tiếp nhận phản ánh của người dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19 qua hòm thư phản ánh nguy cơ COVID-19 tại địa chỉ: https://antoancovid.vn/phananhHN; tài khoản Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội” chuyên mục “Phản ánh COVID” và qua đường dây nóng 0889.556.655 và 0889.557.755.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, ngày 22/7, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã triển khai tiếp nhận phản ánh của người dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19 qua hòm thư phản ánh nguy cơ COVID-19 tại địa chỉ: https://antoancovid.vn/phananhHN; tài khoản Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội” chuyên mục “Phản ánh COVID” và qua đường dây nóng 0889.556.655 và 0889.557.755. 

Chú thích ảnh

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, bằng những kênh tiếp nhận trên, người dân có thể phản ánh những sai phạm trong công tác phòng, chống dịch; việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng; nguy cơ tiếp xúc các ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng; thông tin không đúng sự thật...; qua đó, giúp các cơ quan chức năng kịp thời xử lý mọi tình huống trong thời gian ngắn nhất, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho người dân.

Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, Hà Nội đã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, những ngày qua, vẫn có một bộ phận nhỏ người dân chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tình trạng tập trung đông người tại một số nơi vẫn tiếp diễn; hàng ngày vẫn có hàng nghìn người từ các địa phương khác trở về thành phố mang theo nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, việc tiếp nhận phản ánh của người dân thông qua đường dây nóng, tài khoản mạng xã hội hoặc hòm thư tiếp nhận sẽ giúp chính quyền và các đơn vị liên quan kịp thời xử lý những vi phạm, góp phần nâng cao ý thức người dân cũng như nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

* Nhằm đạt chỉ tiêu khoảng 70% dân số trên toàn tỉnh phải được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, UBND tỉnh Bến Tre xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng trên địa bàn tỉnh trong năm 2021-2022, nhằm phòng chủ động chống dịch bệnh bằng việc sử dụng vaccine.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ được Bến Tre triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn ở các tuyến y tế trong toàn tỉnh. Thời gian thực hiện tiêm phòng từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Qua chiến dịch tiêm phòng lần này, Bến Tre đặt mục tiêu có tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm  trong năm 2021; trên 70% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến hết quý I/2022.

Đối tượng tiêm gồm toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong đó, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, có 16 nhóm đối tượng tiêm gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; lực lượng Quân đội, Công an; cán bộ ngoại giao; giáo viên, học sinh sinh viên; cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo; đối tượng chính sách, người bán hàng; người làm nghề xây dựng; người lao động tự do; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế Bến Tre Ngô Văn Tán cho hay, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp với Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn trực tiếp, cử cán bộ đến cơ sở hỗ trợ về công tác chuyên môn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho các địa phương trong tỉnh; đồng thời, yêu cầu các địa phương có kế hoạch phối hợp với công an địa phương đảm bảo truy vết hết các trường hợp F1, F2 trong cộng đồng.

Đến nay, tỉnh đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trong 2 đợt với 36.147 người được tiêm mũi 1. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre, đến 6 giờ ngày 22/7, tỉnh Bến Tre ghi nhận thêm 13 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca dương tính trên toàn tỉnh là 348 ca.

* Ngày 22/7, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) bắt đầu triển khai tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 hướng tới mục tiêu chủ động sàng lọc các đối tượng có yếu tố nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn để khẩn trương khoanh vùng, truy vết, khống chế không để dịch COVID-19 lan rộng. Theo yêu cầu, trong vòng 3 ngày, thành phố Sa Đéc phải hoàn thành việc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tầm soát tất cả vùng có nguy cơ cao trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc thông tin, trong ngày đầu triển khai, với sự tiếp ứng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đoàn y bác sỹ tỉnh Bắc Giang, các nhân viên y tế huyện Tháp Mười, lực lượng y tế địa phương, thành phố đã lấy mẫu test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho 2.970 người dân các vùng có nguy cơ cao, trong đó tập trung ở khu vực phong tỏa và các tiểu thương ở các chợ trên địa bàn.

Kết quả, đã phát hiện 58 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (chiếm 1,95%). Trong khi đó, tất cả các mẫu test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 ở hai chợ Tân Phú Đông và chợ Phú Long đều cho kết quả âm tính. Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR đối với hơn 970 trường hợp ở Khóm 3, Phường 3- nơi đã gần hết 14 ngày phong tỏa.

Từ số liệu này, thành phố Sa Đéc đã xác định được những nơi có nguy cơ cao. Dự kiến, trong ngày 23/7, địa phương sẽ dồn lực test nhanh mở rộng 2 khu vực có nguy cơ cao và 4 khu vực mới, với tổng số 3.068 mẫu và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR khoảng 635 mẫu - ông Nguyễn Văn Hon nói.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu thành phố Sa Đéc phải phát hiện nhanh, tầm soát được hiện trạng của địa phương, để xây dựng phương án xử lý cho triệt để. Quá trình lấy mẫu phải đảm bảo nhanh, gọn, hiệu quả nhưng yếu tố an toàn được đưa lên hàng đầu; cần có phương án dự trù, nếu có ca dương tính phải tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng và truy vết nhanh nhất có thể để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan.

Mặt khác, với kết quả xét nghiệm sàng lọc 3/5 chợ truyền thống có trường hợp dương tính, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị thành phố Sa Đéc phải phân luồng, giãn cách việc mua bán tại các chợ, đóng cửa các quầy, cửa hàng không thiết yếu, giảm thời gian hoạt động tại các chợ, đa dạng các hình thức giao hàng tận nhà, chuẩn bị các kênh phân phối, đầu mối lớn để cung ứng cho người dân; đồng thời, phối hợp với lực lượng quân sự tổ chức phun xịt khử khuẩn ở ấp phong tỏa, ấp lân cận vòng ngoài và trung tâm thành phố Sa Đéc.

Tính từ 24/6 đến 18 giờ ngày 22/7, toàn tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 1.667 ca mắc COVID -19, trong đó, tại thành phố Sa Đéc phát hiện 407 ca.

Nguyễn Thắng - Công Trí - Chương Đài (TTXVN)