06:17 01/06/2017

Trì trệ 'cứu chữa', nước sông Sài Gòn, Đồng Nai 'hấp hối' từng ngày

Các hoạt động xả thải và khai thác cát hiện nay làm hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng, từng địa phương cũng như Ủy ban bảo vệ sông Sài Gòn - Đồng Nai lại đang trì trệ trong thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước của hai con sông này.

Ngư dân vớt xác cá chết trên thượng nguồn sông Sài Gòn. Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN

GS.TS Lê Huy Bá, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Vấn đề ô nhiễm sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày càng tăng cao đến mức báo động.

Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm này, trong đó có rác thải, chất thải của hộ dân, các công ty, nhà máy sản xuất và nguyên nhân từ sản xuất nông nghiệp.

Hiện các loại rác thải trong sinh hoạt, sản xuất vẫn đổ trực tiếp ra sông, rác thải hữu cơ tạo nên những chất độc hòa tan gây ô nhiễm nguồn nước, rác thải không phân hủy gây tình trạng nghẹt cống thoát cũng như ảnh hưởng đến dòng chảy.

Theo các chuyên gia môi trường, tại Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 4.500 điểm xả thải từ nhiều nguồn khác nhau, mỗi ngày có gần 1,2 triệu m3 nước xả ra sông Sài Gòn, trong đó chỉ có 16% được xử lý.

Sông Sài Gòn hiện cung cấp nguồn nước đầu vào quan trọng cho 2 nhà máy nước sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, vì tình trạng ô nhiễm rác thải ngày càng nghiêm trọng khiến các nhà máy phải sử dụng nhiều giải pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn nguồn nước cung cấp cho người dân.

Cống lấy nước đầu vào của nhà máy nước Tân Hiệp thường xuyên bị kẹt vì rác thải sinh hoạt và lục bình. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi vào cao điểm mùa mưa do nước mưa cuốn trôi nhiều rác thải từ trên bờ xuống sông.

Về giải pháp xử lý rác thải đối với nguồn nước đầu vào, ông Trần Duy Khang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp cho biết: Nhà máy nước Tân Hiệp có 2 hệ thống cào rác trên trạm bơm Hòa Phú - Củ Chi nhằm loại bỏ lượng rác.

Các hệ thống lược rác đều đang phải vận hành tối ưu nhằm giảm bớt lượng rác vào các nguồn bơm trước khi đưa vào hệ thống xử lý của nhà máy. Vào mùa mưa, hệ thống lọc rác của trạm bơm Hòa Phú - Củ Chi phải vận hành 6 lần/ngày nên rất tốn thời gian, chi phí xử lý nước.

Đánh giá về ô nhiễm các chất vi sinh tại sông Sài Gòn - Đồng Nai, ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng nước - Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho biết: Nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng trong vòng 5 năm trở lại đây do các nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng gia tăng.

Một số chỉ tiêu như hàm lượng amoni, COD (nhu cầu oxy hóa học), BOD (nhu cầu oxy sinh hóa) trong nước luôn vượt so với Quy chuẩn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng như Quy chuẩn 08 về sử dụng nước mặt cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Vào những ngày đỉnh triều, hàm lượng amoni có thể vượt 10 lần so với Quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép. Hàm lượng amoni tồn tại trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và những bệnh nguy hiểm khác.

Bên cạnh đó, khoảng 1/2 diện tích mặt sông Sài Gòn có nồng độ ô nhiễm hữu cơ BOD và COD vượt quy chuẩn từ 1,2 đến 1,5 lần. Đây là những chỉ số quan trọng cho thấy nước sông Sài Gòn đã bị ô nhiễm đến mức báo động.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm vi sinh, ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh phải tăng số lượng hóa chất để xử lý nước đảm bảo theo yêu cầu của Bộ Y tế. Điều này làm ảnh hưởng đến những chất vi sinh khác có trong nước cũng như làm chi phí xử lý nước sạch tăng cao.

Mỗi năm, ngành cấp nước thành phố phải chi 30 tỷ đồng để xử lý hóa chất làm sạch nguồn nước đầu vào do tình trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn - Đồng Nai; đồng thời đang đưa ra dự án xây hồ tạm lắng nhằm giảm bớt ô nhiễm.

Tuy nhiên, nếu thượng nguồn và vùng hạ lưu, các nguồn gây ô nhiễm cứ ngày đêm xả ra sông Sài Gòn - Đồng Nai, ngành cấp nước của Thành phố Hồ Chí Minh và 12 tỉnh thành thuộc lưu vực hệ thống sông này sẽ phải tốn thêm rất nhiều chi phí cũng như các giải pháp khoa học công nghệ khác để có thể xử lý nguồn nước đầu vào cho các nhà máy nước.

Về giải pháp khoa học công nghệ ứng phó với tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn - Đồng Nai, ông Trần Kim Thạch cho biết: Thời gian qua, Tổng Công ty đã phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu giải pháp Ozon trong xử lý nước sạch.

Hiện đơn vị đang phối hợp với Cục cấp nước Kiatoshu của Nhật Bản áp dụng giải pháp sử dụng vi sinh để xử lý hàm lượng amoni trong nước. Đây là giải pháp mang tính lâu dài và cần có kế hoạch cụ thể cũng như nguồn kinh phí đầu tư khá cao.

Lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trải dài dọc 13 tỉnh, thành là một thể thống nhất, vì vậy ô nhiễm môi trường nước là vấn đề chung của cả khu vực.

Thế nhưng, cách thức sử dụng nguồn nước cũng như bảo vệ hệ thống sông lại phân đoạn theo từng tỉnh, thành trong lưu vực, không có sự đồng bộ làm tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng cao.

Hơn 10 năm qua, những giải pháp cần thiết và cấp bách vẫn chưa phát huy được hiệu quả đã khiến hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai rơi vào tình trạng “hấp hối” từng ngày.

Đây là lúc Ủy ban bảo vệ sông Sài Gòn - Đồng Nai cần phát huy vài trò của mình cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp để có thể kịp thời cứu vãn hai dòng sông cung cấp nguồn nước chính cho khu vực miền Đông Nam bộ.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)