12:06 03/12/2021

Tri thức trẻ Việt Nam hiến kế với chuyển đổi số quốc gia

Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức đã có những hiến kế đột phá của các tri thức trẻ về công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Ngọc Lương trao Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn cho các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho việc tổ chức Diễn đàn.

Xu thế tất yếu

Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều nhà khoa học, trí thức trẻ đã có đề xuất, sáng kiến chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, phát triển đô thị, đặc biệt là những hiến kế trong việc quản trị, sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội.  

Ở lĩnh vực quản trị kinh doanh,tham luận "Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp bán lẻ ở Việt Nam" của Tiến sĩ Trần Xuân Quỳnh (Trường Côte d’Azur, Pháp - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) đã có nhiều chia sẻ mang tính chiến lược về ngành công nghiệp bán lẻ ở Việt Nam.

TS Trần Xuân Quỳnh cho rằng, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách làm việc, cách quản lý, cách tổ chức hoạt động dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các ngành nghề trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Việt Nam thì thì sự hiểu biết có sự nhầm lẫn, đặc biệt hiểu biết số hoá chuyển đổi, về bối cảnh, lộ trình trong nước còn thiếu hụt một mô hình tổng quan.  

“Một trong những động lực thúc đẩy chuyển đổi số chính là sự phát triển công nghệ vượt bậc trong thời gian gần đây, kích thích các yếu tố gia tăng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc thay đổi hành vi tiêu dùng ngày càng trở nên đa dạng. Do đó, chiến lược phát triển trong tiến trình chuyển đổi số cũng cần phải thay đổi”, TS Trần Xuân Quỳnh cho biết.  

Còn anh Đào Văn Hân (Khoa Chính trị-Hành chính, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đổi mới sáng tạo bộ máy hành chính với dữ liệu, kết nối, công nghệ số, làm cơ sở cho kinh doanh số và công dân số. Xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay có nhiều cơ hội, khi đại dịch COVID-19 cho thấy nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp trong việc sử dụng công nghệ số nhiều hơn mức bình thường.

Tuy nhiên, một thách thức mà anh Đào Văn Hân chỉ ra với công cuộc chuyển đổi số quốc gia chính là thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt là việc đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp. Chưa kể một vấn đề đặt ra nữa là gia tăng rủi ro về an ninh mạng, quyền riêng tư khi tham gia vào nền tảng số.

PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tổng thư ký Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cho rằng, ý tưởng của trí thức rất dồi dào, nhưng làm thế nào trong điều kiện chuyển đổi số phải nhanh chóng chuyển ý tưởng trở thành sản phẩm. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy trong việc vận hành hệ thống nghiên cứu truyền thống.  

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan.

Diễn đàn đã trở thành nơi để đội ngũ trí thức trẻ

Theo anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, năm nay, các nhóm chủ đề được thảo luận đều mang tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, bối cảnh thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của nước ta, đòi hỏi cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững.

Các đại biểu tham gia diễn đàn đã thể hiện khát khao, mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước qua nhiều đề tài, nghiên cứu, hoạt động thiết thực, có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã kết nối các giải pháp, sản phẩm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam về chuyển đổi số. Các đại biểu đã đề xuất các giải pháp biến các ý tưởng, sáng kiến, nghiên cứu về chuyển đổi số thành các dự án, sản phẩm thực tế, hướng đến phát triển kinh tế, xã hội, đất nước trong thời kỳ mới; hình thành các định hướng ưu tiên trong nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn.

“Diễn đàn đã trở thành nơi để đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam tiêu biểu trên toàn cầu tiếp cận, gặp gỡ, chia sẻ, chung tay tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ý kiến của các đại biểu sẽ được Ban tổ chức Diễn đàn tổng hợp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan”, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết.

Được biết, trong thời gian tới, mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tiếp tục củng cố và phát triển theo hướng liên vùng, liên ngành; nâng cao năng lực trong phát triển các dự án khoa học công nghệ, tập trung năng lực quản lý và lãnh đạo; gắn kết các trí thức trẻ với cơ sở nghiên cứu đào tạo; kết nối các đối tác; chuyển giao tri thức.  

Lê Vân/Báo Tin tức