03:09 15/03/2012

Tri ân và vinh danh nghệ thuật hát xẩm

Hàng năm, cứ vào ngày 22/2 âm lịch, các gánh xẩm từ mọi miền đất nước lại tề tựu cùng nhau để tỏ lòng tri ân và tổ chức lễ “Giỗ tổ nghề hát xẩm” – một nghề đặc biệt.

Hàng năm, cứ vào ngày 22/2 âm lịch, các gánh xẩm từ mọi miền đất nước lại tề tựu cùng nhau để tỏ lòng tri ân và tổ chức lễ “Giỗ tổ nghề hát xẩm” – một nghề đặc biệt. Năm nay cũng vậy, lễ “Giỗ tổ nghề hát xẩm” theo nghi lễ truyền thống được Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (TTANVN) tổ chức sáng ngày 14/3/2012 (tức ngày 22/2 năm Nhâm Thìn), tại Khu di tích lịch sử đình đền Hào Nam, quận Đống Đa – Hà Nội.

GS.TS Phạm Minh Khang, Giám đốc TTANVN cho biết, hiện vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào khẳng định nguồn gốc ra đời của thể loại hát xẩm. Chỉ biết rằng, từ bao thế kỷ nay, trong dân gian vẫn truyền tụng truyền thuyết về vị tổ nghề xẩm là Thái tử Trần Quốc Đĩnh ở thế kỷ XIII vào đời nhà Trần. Do tranh giành quyền lực, thái tử bị chính người anh ruột của của mình dùng thủ đoạn tàn nhẫn đẩy đến bước đường cùng, phải tha phương cầu thực. Trong những ngày lang thang, ông đã dùng tiếng đàn, tiếng hát để nuôi thân. Mùa xuân năm ấy, vào ngày 22/2, ông được vời vào cung hát cho vua nghe, mọi nỗi oan khiên được bày tỏ. Tuy đã được trở về hoàng cung, nhưng ông vẫn một lòng đem nghề truyền dạy cho dân gian. Tưởng nhớ công ơn vị Thái tử, những người hành nghề hát xẩm đã lấy ngày 22/2 hàng năm làm ngày giỗ tổ nghề.

Các nghệ nhân hát xẩm biểu diễn tại Lễ giỗ tổ nghề hát xẩm 2012.

Từ năm 2005 đến nay, TTANVN là đơn vị đầu tiên khôi phục lại nghệ thuật hát xẩm, đưa loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này trở về với mọi tầng lớp nhân dân lao động. Qua những tháng ngày dàn dựng, phục hồi, những làn điệu hát xẩm như xẩm chợ, xẩm riềm huê, xẩm ba bậc, xẩm chênh bong, xẩm huê tình, xẩm thập ân… đã lần lượt được đưa lên sân khấu để phục vụ đồng bào ở phố đi bộ Đồng Xuân, phố cổ, các trường đại học và nhân dân ở nhiều vùng miền khác nhau. Từ năm 2006, lần đầu tiên, sau hơn một thế kỷ bị gián đoạn, Lễ Giỗ Tổ nghề hát xẩm được TTANVN long trọng tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Từ đó đến nay, hàng năm, cứ đến ngày 22/2, TTANVN lại tổ chức Lễ giỗ tổ nghề, đáp ứng sự mong mỏi của các nghệ nhân hát xẩm và những người yêu mến nghệ thuật hát xẩm trên khắp mọi miền đất nước.

Nhạc sỹ Thao Giang, Phó giám đốc TTANVN cho biết: Lễ giỗ tổ nghề năm nay được tổ chức với niềm hân hoan và tự hào hơn hẳn những năm trước bởi những thành quả mà Trung tâm đã đạt được trong thời gian qua. Về lĩnh vực biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát xẩm, đến nay, TTANVN đã diễn liên tục 500 đêm cuối tuần tại tuyến phố đi bộ Hàng Đào Đồng Xuân, chưa kể đến các buổi diễn tại các địa điểm khác trong nước và ngoài nước. Về truyền dạy, đã hình thành hai hệ thống: Một là chương trình dành cho công chúng những người yêu thích, đến nay đã có ba thế hệ nghệ sỹ trẻ có đủ điều kiện tham gia biểu diễn. Hệ thống thứ 2 là chương trình đào tạo cấp bậc đại học và trên đại học chuyên ngành đàn hát dân ca, trong đó có bộ môn hát xẩm, đây là chương trình liên kết đào tạo với Học viện âm nhạc Huế, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép. Lớp học đầu tiên của chương trình này đã có 16 sinh viên đang theo học.

Có mặt tại Lễ giỗ tổ nghề hát xẩm năm nay, GS.TS Phan Đăng Nhật cho rằng, nghệ thuật hát xẩm có những giá trị đặc sắc mà chúng ta cần lưu giữ, tôn vinh và giới thiệu với thế giới. NSƯT Ngọc Phan xúc động cho biết: “Năm nay, tôi đến Lễ giỗ tổ nghề hát xẩm với tâm trạng rạo rực hơn. Khi chứng kiến những nghệ nhân hát xẩm làm lễ, tôi nhớ lại những ngày còn bé, thường đi lang thang theo gánh hát xẩm ngày xưa để nghe hát. Bây giờ, không ngờ nghệ thuật hát xẩm lại được vinh danh như hiện nay”. Còn với Thùy Anh, năm nay tuy mới 12 tuổi, nhưng đã theo học nghệ thuật hát xẩm được hơn 2 năm, tâm sự: “Em rất muốn được học hỏi thêm nhiều hơn nữa về nghệ thuật hát xẩm, để sau này có thể giới thiệu cho nhiều người biết đến loại hình nghệ thuật này. Nhất là các bạn trẻ hiện nay...”.

Bài và ảnh: Phương Lan