11:21 19/11/2020

Tri ân những thầy cô, bảo mẫu nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi

Chiều 19/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức gặp mặt người chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi gặp mặt.

Buổi gặp mặt có sự tham gia của trên 200 thầy cô giáo, bảo mẫu, nhân viên của các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. 

Tại buổi gặp mặt, những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn ở các đơn vị đã chia sẻ những buồn vui, tâm tư, nguyện vọng trong công việc mang tính đặc thù của mình.

Thay mặt nhân dân và lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ gửi lời tri ân và chúc mừng đến các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội cũng như thầy, cô, cán bộ, bảo mẫu, nhân viên đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà các thầy, cô gặp phải trong quá trình công tác.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, công tác chăm sóc những người yếu thế là trách nhiệm chung của chính quyền và xã hội. Sự chia sẻ, gánh vác cùng với chính quyền trong việc chăm sóc những đối tượng khó khăn nói chung và đặc biệt là các em mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn của các tổ chức tôn giáo, từ thiện xã hội là hết sức quan trọng. Các thầy, cô giáo có thể không tốt nghiệp ở trường đại học sư phạm, không có chứng chỉ sư phạm, nhưng rất xứng đáng với danh hiệu “nhà giáo nhân dân”.

Với tình yêu thương, các thầy, cô đã tận tụy, cống hiến tuổi thanh xuân để nuôi dạy, chăm sóc những trẻ em yếu thế. Sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô, bảo mẫu đã và đang được xã hội ghi nhận.  

Chú thích ảnh
Đại biểu chia sẻ công tác chăm sóc trẻ khuyết tật.

Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị các cấp, các ngành liên kết với các trung tâm, chuyên gia để tổ chức những lớp đào tạo kỹ năng nuôi dạy trẻ cho các thầy, cô giáo, nhân viên ở các cơ sở bảo trợ; khám sàng lọc và xây dựng hồ sơ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn; tặng học bổng cho những em có thành tích học tập tốt; thành lập mạng lưới giữa các trung tâm bảo trợ để trao đổi, hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giảng dạy các em; kêu gọi và hình thành nên các cơ sở bảo trợ ở các huyện để các em có hoàn cảnh khó khăn được quản lý và giáo dục bài bản hơn; chú trọng công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các trung tâm bảo trợ.

Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia, tâm sự: trong 11 năm gắn bó với trung tâm, ông cũng như các đồng nghiệp nhận ra rằng, nhà công tác xã hội cũng đồng thời là nhà giáo dục. "Nếu người giáo viên phổ thông tiếp xúc với học sinh của mình chỉ 5 – 6 tiếng trên lớp mỗi ngày, thì chúng tôi có mặt với các học viên trọn 1 ngày. Với sự giáo dục và đồng hành của các nhà công tác xã hội, những người yếu thế không chỉ sống hạnh phúc mà còn có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Hôm nay, chúng tôi đã nhận được món quà lớn, là sự công nhận của lãnh đạo tỉnh với nghề công tác xã hội, đây là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp của mình", ông Phạm Văn Tú bày tỏ.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng quà cho các thầy cô, bảo mẫu nhân viên tại các cơ sở chăm sóc, nuoi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi. 

Bảo mẫu Văn Thị Cháu, công tác tại làng trẻ em SOS Huế chia sẻ, bà đến với nghề bảo mẫu như một cơ duyên và gắn bó hơn 18 năm. Càng tiếp xúc với các con, bà càng hiểu rõ và yêu hơn, gắn bó hơn, coi các con như con đẻ của mình. Ở làng SOS, mỗi gia đình có một mẹ và 8 cháu. "Chúng tôi không chỉ dạy các cháu kiến thức mà còn dạy về kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách. Thấy các cháu thành đạt, xây dựng tổ ấm cho riêng mình là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với chúng tôi", bà Văn Thị Cháu nói.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc làng trẻ em SOS Huế cho biết, đây là năm đầu tiên các thầy, cô, các mẹ và bảo mẫu làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh gặp mặt và vinh danh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Các thầy, cô không đứng trên bục giảng nhưng với niềm yêu thương và tâm huyết đã giành hết thời gian, tri thức của mình để chăm sóc, nuôi dạy khôn lớn. Mong rằng các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, có chế độ ưu đãi tốt cho các trẻ và những người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng quà cho các thầy cô, bảo mẫu nhân viên tại các cơ sở chăm sóc, nuoi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 23 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 3 cơ sở công lập (thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) và 20 cơ sở ngoài công lập. Hiện có 359 người đang làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy học cho 1.495 đối tượng.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các trung tâm nhân các ngày lễ, Tết, hoạt động hè, thăm, tặng quà các cơ sở trợ giúp xã hội. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bão, lụt, nên nhiều cơ sở trợ giúp xã hội gặp khó khăn, UBND tỉnh đã hỗ trợ 690 triệu đồng cho 12 cơ sở; hỗ trợ 14 tấn gạo, hàng trăm suất quà... Từ năm 2012 đến nay, bình quân hàng năm tỉnh cấp khoảng 400 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng, với kinh phí 310 triệu đồng/năm. Thông qua các chương trình, đề án đào tạo nghề, các trung tâm đã tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật, bình quân mỗi năm đào tạo 400 học viên.

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)