09:16 10/09/2020

Tri ân những cống hiến của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Ngày 10/9, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 107 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 – 13/9/2020).

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long dâng hương tưởng niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. 

Lễ dâng hương được tổ chức tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa thuộc xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Tham dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ và thân nhân gia đình Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Các đại biểu đã thắp hương bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà khoa học vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, quê quán tại xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông là nhà khoa học lớn, đại diện xuất sắc cho đội ngũ khoa học Việt Nam. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, dành hết tâm lực, trí lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo nhiều loại vũ khí mới, hiện đại, góp phần đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc. Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được biết đến với danh hiệu “ông vua” vũ khí, người có công lớn trong việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Năm 1935, đồng chí Phạm Quang Lễ du học Pháp và sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, ông đã nhận được ba bằng đại học: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân toán học. Sau đó, ông học tiếp và nhận thêm bằng Kỹ sư hàng không và Kỹ sư mỏ. Trong 11 năm du học ở nước ngoài, ông đã âm thầm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ và hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí.

Tháng 9/1946, cùng với một số trí thức yêu nước, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở về nước tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gay go, ác liệt, ngày 5/12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Cục trưởng Cục Quân giới và được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa. Được giao nhiệm vụ Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới, ông đã cùng nhiều đồng chí xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ, góp phần quan trọng để Quân đội ta chiến thắng trên chiến trường.

Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh kiêm Cục trưởng Cục Quân giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa... Ông còn là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam…

Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với các cương vị và chức vụ công tác khác nhau, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của ông đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, trong lao động và nghiên cứu khoa học.

Tin, ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)