12:00 15/12/2011

Trên đỉnh Xuân Sơn

Dốc Cổng Trời, một con dốc "trứ danh" vì độ cao và sự nguy hiểm của nó, nằm cheo leo trên đỉnh một ngọn núi. Từ đây, bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn cả một vùng phong cảnh rộng lớn tuyệt đẹp lẫn trong mây, đẹp như những bức tranh thủy mặc Trung Hoa.

Được thành lập từ tháng 2/2002, Vườn Quốc gia Xuân Sơn có diện tích rộng khoảng 15.000 hécta, chủ yếu nằm trên địa bàn xã Xuân Sơn (thuộc huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Các chủng động, thực vật tập trung ở đây rất phong phú và đa dạng. Tên những làng bản, tên núi như: Núi Chim Bò, núi Bạc, núi Đứt, bản Lấp, bản Dù, bản Cỏi, động Lun, động Lạng, động Na, dốc Cổng Trời... cùng những phong tục tập quán hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn của người dân tộc thiểu số nơi đây. Những điều đó đủ khiến cho những người có... máu xê dịch như tôi phải lên đường tìm đến với khu vườn quốc gia nằm trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ trắng xóa này...

Một cõi tiên bồng

Từ Đền Hùng xuôi hướng tây nam, theo quốc lộ 32, chừng một tiếng đồng hồ ngồi xe vượt qua quãng đường gần 40km là đã tới huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Bây giờ mới cần tới sức bền, độ dẻo dai và tính phiêu lưu ưa mạo hiểm của du khách. Cả một quãng đường đồi núi cheo leo dài khoảng 30km đang đợi bạn ở phía trước. Càng lên cao, con đường ngoằn ngoèo và mỏng manh như sợi chỉ, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là núi cao ngất trời. Thỉnh thoảng tôi gặp bên đường những người dân tộc vai đeo những gùi củi nặng, cũng có khi là bông lau (đót), ngó bộ dạng của tôi chắc là buồn cười lắm nên đã "động viên": "Cố lên! Sắp đến nơi rồi đấy!".

Xuân Sơn như chốn bồng lai tiên cảnh.


Không biết gặp bao nhiêu lần "cố lên!" như thế thì Trạm kiểm soát và bảo vệ Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn đã oà ra trước mặt.

Sau hai giờ đồng hồ nghỉ ngơi lấy lại sức, tôi được các nhân viên của trạm hướng dẫn một cách tận tình về những tuyến hành trình có thể đi. Tôi chọn bản Dù, bản Cỏi. Được biết, bản Dù là vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh miền núi Phú Thọ (cũng là Trung tâm hành chính của xã Xuân Sơn và VQG). Anh cán bộ Trạm kiểm soát và bảo vệ VQG không dám ngăn tôi, nhưng lắc đầu: "Sẽ rất khó khăn đấy!"...

Khó khăn mà tôi gặp phải là những ngọn núi cao, dốc dựng đứng. Có đoạn "mũi chạm đất", hai đầu gối sụm lại tưởng như phải bỏ cuộc giữa chừng. Đúng là "dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm" như trong thơ Quang Dũng mà thỉnh thoảng giữa những quãng nghỉ tôi lẩm nhẩm đọc để tạo tinh thần cho mình. Nhưng thiên nhiên và phong cảnh ở đây tuyệt đẹp, có lẽ ít nơi nào sánh bằng. Trước mặt, sau lưng và xung quanh tôi, cả một vùng rừng núi Xuân Sơn hiện ra hết sức hùng vĩ. Dọc đường đi, có vô vàn bướm trắng. Thi thoảng lại bắt gặp một con suối chảy róc rách bò ngang qua đường...

Gà chín cựa ở VQG Xuân Sơn


VQG Xuân Sơn nằm giữa những ngọn núi đá cao ngất, có độ cao trung bình từ 500- 1.400m. Dốc Cổng Trời, một con dốc "trứ danh" vì độ cao và sự nguy hiểm của nó, nằm cheo leo trên đỉnh một ngọn núi. Từ đây, bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn cả một vùng phong cảnh rộng lớn tuyệt đẹp lẫn trong mây, đẹp như những bức tranh thủy mặc Trung Hoa. Khu vực giữa trong thung lũng được bao bọc bởi những ngọn núi, mây trắng bồng bềnh quấn quýt bao quanh những ngọn núi đá nhỏ tạo nên muôn hình thù kì dị, lạ lẫm...

Ngủ thăm và những phong tục lạ khác

Bên kia dốc Cổng Trời là bản Dù (cũng là Trung tâm hành chính của xã Xuân Sơn và VQG). Từ bản Dù, đi bộ thêm gần 10km nữa bản Cỏi đã ở ngay trước mặt. Bản Cỏi là nơi cuối cùng có người ở trong khu vực VQG, nằm dựa lưng vào núi. Một bên giáp với huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), phía bên kia giáp với huyện Phù Yên (Sơn La). Nơi đây được bao bọc bởi những con suối và núi non hùng vĩ. Cả bản có 66 nóc nhà với 350 nhân khẩu, tập trung chủ yếu các dân tộc Dao, Mường... sinh sống. Đi dọc theo những con suối, bạn sẽ bắt gặp cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân tộc nơi đây. Họ cùng nhau ra suối giặt giũ, đùa giỡn. Đặc biệt bạn sẽ bắt gặp cảnh... tắm tiên của các chàng trai và cả những cô gái. Người dân tộc nơi đây rất mến khách, họ cười đùa, mời khách vào nhà- những ngôi nhà làm bằng đất nện thấp lè tè- rất tự nhiên và trò chuyện bằng một thứ tiếng kinh lơ lớ. Cũng có khi chủ nhà sẽ mời bạn uống nước chè shan và ăn bánh bột khoai trộn vừng...

Đường vào vườn quốc gia Xuân Sơn


Đêm xuống, nếu là thanh niên, du khách có thể sẽ được những chàng trai người dân tộc "rủ rê" tham dự tục ngủ thăm, một tập tục đặc sắc có từ lâu đời và không hề bị mai một, qua thời gian vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn.

Theo sự giải thích của người dân ở đây, ngủ thăm có nghĩa là con trai, con gái đến tuổi trưởng thành đều có thể đến ngủ thăm nhà nhau. Tuy nhiên, theo phong tục tập quán và qui định riêng của người Dao và người Mường từ bao đời nay, chỉ có con trai người Mường mới được lấy vợ người Dao, con trai người Dao không được lấy gái Mường.

Các cô gái đến tuổi trưởng thành, ban ngày đi làm những công việc đồng áng, tối đến đốt một ngọn đèn, buông màn sớm và nằm trong đó. Các chàng trai có nhu cầu tìm hiểu người con gái mình sẽ lấy làm vợ, có thể tìm đến để ngủ thăm. Thấy đèn trong buồng còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến ngủ thăm, chàng trai phải tự cậy cửa để vào nhà. Sau một thời gian tìm hiểu tâm tư về nhau, cô gái sẽ là người có quyền quyết định cho chàng trai đó ngủ thật hay không. Nhưng trước khi đến ngủ thật, cả hai đều phải thưa với bố mẹ để người lớn xem có hợp tuổi không? Nếu hợp tuổi, hai bên gia đình sẽ cho phép đôi bạn trẻ ngủ thật với nhau.

Khi thời gian ngủ thật bắt đầu, cũng là lúc chàng trai phải đến làm công cho gia đình nhà cô gái. Ngày đi làm cùng gia đình, tối về ngủ với cô gái mình có ý định tìm hiểu. Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái thấy hai người không hợp nhau hoặc không thích chàng trai nữa thì cô gái sẽ gói quần áo cùng với một gói cơm nắm cho vào địu và bảo với chàng trai rằng: "Anh cứ về thôi!", như thế có nghĩa là cô gái đã từ chối. Hoặc cũng có khi cô gái bảo: "Hôm qua, em nằm mơ thấy ác mộng", tự chàng trai sẽ hiểu ra chuyện của hai người đã không thành...

Ngoài tục ngủ thăm, người dân tộc ở đây còn có rất nhiều các phong tục tập quán khác thu hút sự chú ý của du khách: Tục chài - nèm và rất nhiều nghi lễ cúng tế khác.

Trước khi rời Xuân Sơn, du khách có thể dạo một vòng quanh chợ, nơi có rất nhiều mặt hàng của đồng bào các dân tộc quanh vùng mang đến bán hoặc trao đổi hàng hóa như thổ cẩm, đồ lưu niệm, đặc biệt và nhiều nhất vẫn là các loại thuốc nam họ lấy được trên núi với giá rẻ bất ngờ...

Bài và ảnh:  Nguyễn Khánh Linh