06:07 13/06/2019

Trên đỉnh Lũng Pô

Từ đỉnh cột cờ Lũng Pô, chúng tôi thu vào tầm mắt cả một vùng non nước địa đầu: Đây là điểm sông Hồng bắt đầu hành trình 510 km trên đất Việt sau khi hợp lưu với sông Lũng Pô chảy từ Phong Thổ - Lai Châu, qua Y Tý về.

Chú thích ảnh
Ngã ba sông Lũng Pô.

Tại ngã ba sông, hai màu nước đậm và nhạt hoà quyện vào nhau chảy về xuôi, làm nên một dòng sông trĩu nặng sự sống, giàu bản sắc, gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử và văn hoá dân tộc.

Một buổi sáng đẹp trời. Ngã ba sông chan hòa nắng. Ngay dưới chân cột cờ là mốc biên giới số 92 dựng sát bờ sông. Xa xa, chếch về bên phải, những rặng núi chạy dài quấn quít mây bay. Bản Lũng Pô với những nếp nhà hiền hoà. Con đường dọc bên sông gần xa ẩn hiện ngời lên trong nắng.

Chú thích ảnh
Cột cờ Lũng Pô.

Cột cờ Lũng Pô, nơi chúng tôi đang đứng, là một biểu tượng cho vùng đất này. Cột cờ do tuổi trẻ Lào Cai xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá, khánh thành vào cuối năm 2017. Cột cờ cao 41m, trong đó phần thân cao 31,43m tương ứng với 3.143m là chiều cao của đỉnh Fansipan ở Sa Pa. Lá cờ trên đỉnh cột cờ rộng 25 mét vuông, tượng trưng cho 25 dân tộc trong tỉnh Lào Cai. Đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Pô, tôi chợt nhớ đến cột cờ Lũng Cú cực bắc ở Hà Giang đã từng lên. Xa hơn nữa, trong ký ức của tôi hiện lên hình ảnh đường lên điểm tựa Xín Cái - Mèo Vạc hay các chốt biên cương Cao Bằng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới đang diễn ra quyết liệt... Trong hoàn cảnh nào, những mảnh đất tiền tiêu cũng luôn gợi những cảm xúc rất riêng trong lòng người.

Chúng tôi thăm đồn biên phòng A Mú Sung, đơn vị quản lý địa bàn có cột cờ Lũng Pô. Một buổi gặp mặt ấm cúng với những người lính áo xanh đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Trò chuyện với chính trị viên Phạm Ngọc Tuệ, chính trị viên phó Tạ Ngọc Hoa Hoà và các cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi hiểu thêm về công việc của các anh trên địa bàn. Đồn biên phòng A Mú Sung có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên 27 km biên giới, thuộc địa bàn các xã A Mú Sung và Nậm Chạc, với 7 thôn, trên 1.000 dân thuộc các dân tộc Mong, Dao, Giáy, Hà Nhì và Kinh.

Chú thích ảnh
Nơi sông Hồng chảy vào đất Việt gợi nhiều cảm hứng cho các du khách từ khắp mọi miền.

Nhiều công việc quan trọng đặt trên vai hơn 40 cán bộ chiến sĩ ở đây. Ngoài nhiệm vụ giữ gìn biên cương, phòng chống tội phạm, buôn lậu, các anh còn dành nhiều công sức cho việc xây dựng chính quyền cơ sở, giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân. Cán bộ, chiến sĩ ở đây đã góp phần huy động các nguồn vốn xã hội trên 150 triệu đồng cho các công trình kinh tế, văn hoá. Các anh dành nhiều ngày lao động công ích giúp địa phương. Mỗi người dành 100.000 đồng tiền lương mỗi tháng để đỡ đầu 6 cháu học sinh thuộc các đình khó khăn ăn học, trong đó có ba cháu sống cùng đơn vị ở ngay trong đồn. Hơn 30 gia đình nghèo đã được đồn tặng lợn giống để chăn nuôi, cải thiện đời sống.

Chú thích ảnh
Đài tưởng niệm các liệt sĩ được đặt trên đồi cao, hướng ra sông Hồng.

Chúng tôi cùng Phạm Ngọc Tuệ và các cán bộ, chiến sĩ lên đài tưởng niệm các liệt sĩ của đồn. Đài tưởng niệm đặt trên đồi cao, hướng ra sông Hồng. 31 cán bộ, chiến sĩ của đồn A Mú Sung, là những người con của nhiều miền quê trên đất nước, đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; trong đó đồn phó Lý A Tờ và 22 người đã chiến đấu và hy sinh ngay đêm đầu tiên, 17/2/1979, trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên cương. Sự hy sinh của các anh đã làm nên truyền thống vẻ vang của đồn A Mú Sung - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chính trị viên Phạm Ngọc Tuệ sinh năn 1982. Nhiều cán bộ, chiến sĩ còn trẻ hơn anh. Khi các liệt sĩ ngã xuống trong cuộc chiến tranh ấy, các anh còn chưa ra đời. Bây giờ, các anh đã là những người tiếp nối thế hệ cha anh,bảo vệ biên cương tại cửa ngõ xung yếu này.

Ở trạm biên phòng Lũng Pô, trạm trưởng Đào Văn Ninh cùng các cán bộ Nguyễn Văn Hòa, Hoàng Tấn Công đón chúng tôi như những người nhà. Trạm các anh trực tiếp trông coi cột cờ và làm nhiệm vụ ở sát cửa khẩu. Các anh đều đã gắn bó với biên giới hàng chục năm. Qua câu chuyện, chúng tôi hiểu những khó khăn của cuộc sống xa quê hương, gia đình của những người lính trên tuyến đầu.

Chú thích ảnh
Trạm biên phòng Lũng Pô

Chúng tôi cùng chính trị viên Phạm Ngọc Tuệ và anh em ở trạm có bữa cơm thân tình, đậm chất lính với rượu tự cất, gà tự nuôi, rau quả tự trồng. Đào Văn Ninh cho chúng tôi biết: Lũng Pô đang ngày càng trở nên một điểm du lịch hấp dẫn. Nơi sông Hồng chảy vào đất Việt gợi nhiều cảm hứng cho các du khách từ khắp mọi miền. Lũng Pô liền bên Y Tý, một Sa Pa thu nhỏ của Bát Xát. Vào những ngày nghỉ lễ, nhiều đoàn khách đã lên thăm cột cờ và các địa danh khác ở khu vực này. Quy hoạch về một khu du lịch có tầm cỡ sẽ sớm được triển khai ở đây, hứa hẹn một bước phát triển mới cho cả vùng.

Chúng tôi chia tay chính trị viên Phạm Ngọc Tuệ, Trạm trưởng Đào Văn Ninh và các chiến sĩ với lời hẹn sớm trở lại. Con đường từ Lũng Pô về thành phố Lào Cai chạy dọc theo bờ sông Hồng với phong cảnh rất đẹp. Đâu đây, lời bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”, gắn bó với thế hệ chúng tôi từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương năm ấy, vẫn ngân nga quấn quýt: “Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở trên anh mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ...”.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng