07:19 29/07/2019

Trên 300 mỏ khoáng sản đã được đấu giá thành công

Hội nghị báo cáo hoàn thiện đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 22/2012-NĐ/CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đề xuất nội dung cần sửa đổi bổ sung trong thời gian tới, diễn ra chiều 29/7 tại Hà Nội. 

Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 22/2012-NĐ/CP, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã có tác động tích cực đối với hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong việc triển khai hiệu quả Luật Khoáng sản 2010. Tuy vậy, vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, trong đó, kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản đạt chưa tương xứng với tiềm năng, quy định của pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa gắn kết một cách đồng bộ, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn...

Do vậy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam rà soát số liệu tại các địa phương; tiếp tục hoàn thiện báo cáo để gửi đơn vị liên quan như các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tư pháp; đồng thời cố gắng hoàn chỉnh báo cáo trong tháng 8/2019 để trình Chính phủ.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kinh tế địa chất khoáng sản Ngô Văn Minh cho biết, thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính, công nghệ cũng như có kinh nghiệm trong hoạt động khoáng sản đã được lựa chọn, góp phần phát triển bền vững nền công nghiệp khai khoáng. Cụ thể, trên 300 mỏ khoáng sản (tổng giá trị ước khoảng 585 tỷ đồng) ở cả Trung ương và địa phương đã được đấu giá thành công. Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng từ 10-135 % so với giá khởi điểm, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

Tuy vậy, trong 5 năm qua, số lượng khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá chỉ đạt 52,23% kế hoạch phê duyệt. Chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố (đạt 31,7%) tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thành công. Một số địa phương mới chỉ dừng ở mức thí điểm như: Hà Nội, Hà Nam, An Giang, Quảng Ninh, Ninh Thuận. Nguyên nhân do các địa phương chưa chủ động triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Các cấp lãnh đạo chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn triển khai công tác đấu giá. Bên cạnh đó, do sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương chưa đồng bộ, thể hiện sự lúng túng trong quá trình xử lý các vấn đề.

Kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 22/2012-NĐ/CP, Phó Vụ Trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) Nguyễn Hồng Quang cho rằng một số điều về đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Nghị định số 22/2012-NĐ/CP cần được sửa đổi cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản năm 2016 theo hướng: Những vấn đề đã được quy định trong Luật Đấu giá sẽ không quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung; chỉ quy định những vấn đề có tính chất đặc thù phát sinh trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Hồng Quang kiến nghị, xem xét điều chỉnh Khoản 1, Điều 3 và Điểm d, Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013 nhằm có cơ chế thu hồi đất đối với các dự án khai thác khoáng sản trúng đấu giá thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh... Ông Nguyễn Hồng Quang đề nghị các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc tính toán suất đầu tư thực tế quy định tại Khoản 3, Điều 68, Nghị định 158/2016/NĐ-CP trên cơ sở đơn vị diện tích mỏ của những mỏ có điều kiện tương tự để thống nhất áp dụng trên địa bàn cả nước.

Các ý kiến tại Hội nghị đều nhất trí cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Song song với đó là tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai dự án theo đúng tiến độ, đạt hiệu quả.

Diệu Thúy (TTXVN)