03:14 01/03/2017

Trẻ nôn trớ sau uống vắcxin tiêu chảy có phải bất thường?

Chị Nguyễn Ngọc Nam (Vương Thừa Vũ, Hà Nội) rất lo lắng vì sau khi uống vắcxin ngừa rotavirus phòng tiêu chảy lần thứ 2, bé nhà chị biểu hiện nôn trớ.

Chị Nguyễn Ngọc Nam muốn hỏi liệu cháu bé có phải uống bù lại lượng vắc xin này nữa không? Việc nôn trớ này có bất thường và có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ không?


ThS. BS Vũ Mạnh Cường, Phó Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, cho biết: Các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng nếu sau 20 phút con trẻ uống vắcxin ngừa rotavirus mà xuất hiện hiện tượng nôn trớ. Bởi vì, lượng virút trong một liều vắcxin thường đã dư hơn là liều cần để tạo miễn dịch. Sau uống, vắcxin sẽ ngấm qua niêm mạc miệng, thuốc tiếp tục đến dạ dày và hấp thu đủ, cho nên bé cũng không cần phải uống lại liều vắcxin.


Trẻ uống vắc xin này vẫn có thể bú mẹ như bình thường. Nhưng các bà mẹ vẫn cần lưu ý, thông báo với bác sĩ nếu trẻ có một trong những chống chỉ định như: Trẻ quá mẫn với vắcxin liều đầu tiên, có tiền sử bị lồng ruột hay có những dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa hoặc trẻ có rối loạn miễn dịch nghiêm trọng.


Bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là một bệnh lây truyền qua đường phân - miệng, ở trẻ em, đường lây truyền này thường qua trung gian là bàn tay. Rotavirus có thể tồn tại trong tự nhiên, ở mặt bám bề mặt tiếp xúc, tay vịn cầu thang, nắm cửa, đồ chơi của trẻ. Độ lây lan của tiêu chảy do rotavirus rất lớn do liều gây bệnh thấp mà trẻ bị bệnh lại thải ra một lượng rất lớn virút theo phân; thời gian ủ bệnh cũng ngắn (thường 2 ngày). Hơn nữa, virút này thường thoát khỏi các biện pháp vệ sinh tẩy rửa thông thường. Vì vậy, cách ngừa tiêu chảy do rotavirus hiệu quả nhất chính là uống vắcxin.


Vắcxin ngừa rotavirus được bào chế dưới dạng uống nên có thể cho trẻ uống ngay từ lúc 6 tuần tuổi và hoàn tất lịch chủng trong 6 tháng đầu tiên sau sinh. Khoảng cách giữa các lần uống tối thiểu là một tháng. Cho nên, trẻ lớn tuổi hơn và người lớn sẽ không còn cơ hội có thể ngừa vắcxin này.


Phương Liên (ghi)