Trong thời gian nghỉ hè, số ca tai nạn thương tích ở trẻ em tại tỉnh Ninh Bình có xu hướng gia tăng.
Trẻ nhỏ bị tai nạn được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình.
Cụ thể, thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, mỗi dịp hè, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông với mức độ khác nhau. Do đó, các gia đình cần nâng cao cảnh giác, quan tâm và hướng dẫn trẻ kỹ năng sống an toàn.
Tại Ninh Bình, số trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông trong dịp hè thường tăng từ 10 - 20% so với các thời điểm khác trong năm. Các tai nạn phổ biến gồm: Đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, hóc dị vật… Trẻ từ 2 - 5 tuổi thường bị bỏng, hóc dị vật, ngã, kẹp tay chân vào cửa, cầu thang. Trẻ từ 6 - 15 tuổi hay gặp các tai nạn liên quan đến giao thông, đuối nước, điện giật, ngã gãy tay chân… Nguyên nhân chủ yếu do đặc điểm tâm lý thích khám phá, sự bất cẩn hoặc trẻ thiếu sự giám sát của người lớn.
Cháu Nguyễn Ngọc Cát Tiên, 4 tuổi, phường Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nhập viện cấp cứu trong tình trạng vết thương bị khuyết đa gót chân phải và nhiễm trùng vết thương. Theo người nhà cháu Cát Tiên, cháu bị kẹt chân khi được mẹ chở bằng xe đạp. Cháu đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Sau sự việc, mẹ cháu càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn khi chở con nhỏ tham gia giao thông.
Theo Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, từ đầu tháng 5 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó có 150 trường hợp điều trị nội trú. Số lượng bệnh nhân tăng từ 30 - 40% so với các tháng khác trong năm.
Số lượng trẻ nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình do tai nạn giao thông tăng cao.
Bác sỹ Đinh Văn Duy, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cho biết, năm nay, các bệnh nhân bị tai nạn thương tích nhập viện nhiều gồm các trường hợp bị tai nạn giao thông, khoảng 13 - 16 tuổi. Trường hợp bỏng chiếm khoảng 10 - 15%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ, nhưng sâu xa là do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn. “Để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tích trong mùa hè, người lớn cần dành thời gian chăm sóc, quản lý trẻ, đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ”, bác sĩ Duy nhấn mạnh.
Bác sỹ Đinh Văn Duy khuyến cáo, hè là thời điểm dễ xảy ra tai nạn, gia đình cần chủ động bảo vệ an toàn cho trẻ, đồng thời, trang bị kiến thức sơ cứu đúng cách nhưng không tự xử lý những chấn thương nghiêm trọng. Trẻ nhỏ rất hiếu động chỉ một phút bất cẩn, một vật dụng tưởng chừng vô hại cũng có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Trẻ cần được giáo dục sớm về kỹ năng nhận biết nguy hiểm, không leo trèo nơi cao, không chơi các vật sắc nhọn hay hóa chất độc hại. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.