05:19 29/05/2015

Trẻ em Hong Kong căng thẳng ôn thi… mẫu giáo

Cuộc chạy đua vào trường điểm luôn là một vấn đề nóng ở mọi quốc gia châu Á, song áp lực đó tại Hong Kong lại đè nặng lên vai những đứa trẻ chỉ mới có 1, 2 tuổi.

Cuộc chạy đua vào trường điểm luôn là một vấn đề nóng ở bất kì quốc gia nào tại châu Á, song áp lực đó tại Hong Kong lại đè nặng lên vai những đứa trẻ chỉ mới có 1, 2 tuổi.

Các ông bố bà mẹ đua nhau cho con đi học lớp tiền mầm non.


Yoyo Chan, hiện mới chỉ 1 tuổi rưỡi, đang chuẩn bị ôn tập cho buổi phỏng vấn quan trọng giúp cô bé được nhận vào một trường mầm non uy tín. Đến năm 2 tuổi, Yoyo mới bắt đầu đi học, song bố mẹ cô bé muốn có một sự chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn đầu vào. Suất học tại các trường mầm non có hạn trong khi người đến nộp đơn quá đông, điều đó đã khiến các nhà trẻ phải mở những buổi kiểm tra đầu vào. Từ đó, dịch vụ mở các lớp học ôn thi mẫu giáo dạy trẻ các kỹ năng cần thiết lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết.


Tại các lớp huấn luyện, Yoyo sẽ được yêu cầu chào giáo viên và tự giới thiệu bản thân. Sau đó, cô bé sẽ phải hoàn thành một số nhiệm vụ, ví dụ như vẽ tranh, xây nhà đồ chơi, đính các bộ phận đúng vào vị trí trên mặt và phân biệt một số loại hoa quả. (xem video dưới)




Mẹ Yoyo, cô Emma cho biết những lớp học và các buổi phỏng vấn đối với độ tuổi của con có thể rất áp lực và khó khăn. “Nhưng tôi vẫn muốn cháu có sự chuẩn bị tốt. Tất cả các ông bố bà mẹ đều mong muốn con mình được nhận vào trường chất lượng và có sự dạy bảo tốt ngay từ đầu”. Trường mầm non Emma muốn xin học cho con có tỉ lệ chọi 1:10, chính vì vậy cô sẽ làm mọi thứ để tăng cơ hội thành công cho Yoyo. Em trai Yoyo mới có 8 tháng tuổi song trong vài tháng tới, cậu bé cũng sẽ bắt đầu lớp học kỹ năng của mình.


Công ty tài năng trẻ Hong Kong (HKYTA) chuyên dạy kỹ năng phỏng vấn cho trẻ em cho biết một khóa gồm 12 học phần sẽ tốn 4.480 HK$ (tương đương 580 USD) và gần bằng ¼ thu nhập trung bình của một gia đình. “Chúng tôi sẽ thử cho trẻ tiếp cận qua các hoạt động ca nhạc, lồng ghép vào trong đó nội dung phỏng vấn vào các trường”, cô Teresa Fahy – giáo viên tại HKYTA chia sẻ.


Nhưng mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi các trường mẫu giáo khác nhau lại có tiêu chuẩn đầu vào riêng biệt. Phổ biến nhất có lẽ là những người phỏng vấn sẽ quan sát trẻ chơi đồ chơi như thế nào, để qua đó biết được sự tương tác giữa các trẻ. Hay như cách trẻ tham gia vào hoạt động múa hát cũng sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng. Và cuối cùng, những người kiểm tra sẽ nói chuyện cùng trẻ để xem cách trẻ bộc lộ bản thân. Một số trường nâng mức độ phỏng vấn khó hơn bằng cách yêu cầu trẻ phân biệt màu sắc, hình dạng và mô tả hoạt cảnh trong một cuốn truyện tranh. “Càng ngày các câu hỏi càng khó hơn”, cô Fahy cho biết. Đến cuối buổi, trẻ sẽ được cho kẹo, và cách hành xử của trẻ lúc đó cũng là một trong những tiêu chí đánh giá. Độ lễ phép của trẻ sẽ được chấm điểm qua việc em bé đó có biết nói làm cảm ơn hay không.


Nhiều trường còn hỏi những câu phức tạp như "phân biệt loại trứng" đối với những em bé chỉ 2, 3 tuổi.


Chính điều đó khiến nhiều cha mẹ bắt con cái mình học cách phân biệt màu sắc đồ vật. Tuy nhiên, nếu như các trường đều hỏi cùng một nội dung thì sự khác biệt dường như không có vì em nào cũng được ôn tập kỹ càng. Cô Fanny Yee, người sáng lập Fanny's Workshops nhận xét việc giáo dục sớm đang trở nên quá thương mại và yêu cầu cao. Nhiều bậc phụ huynh thâm chí còn bắt con mình tham gia các lớp học song ngữ Anh - Trung, và buộc chúng phải giỏi cả 2 thứ tiếng.


“Chúng tôi không đánh giá qua những kiến thức thông dụng đó, các em có thể học những điều này ngay sau khi được vào trường chúng tôi, nhiều khi chúng tôi đánh giá phụ huynh hơn là đứa trẻ”, cô Jenny – một giáo viên của trường mẫu giáo song ngữ có uy tín cho biết. “Tôi muốn biết tính cách phụ huynh chúng tôi làm việc cùng. Nếu như cha mẹ quá thúc ép con cái, thì chắc chắn con họ sẽ không được nhận vào trường này”.


Cô Leung Wai-fan – hiệu trưởng trường mầm non King Shing cho biết những lớp học như trên giúp ích cho trẻ không bị bỡ ngỡ trong ngày phỏng vấn. Nhưng cô hoàn toàn không ủng hộ việc đứa trẻ có ôn tập từ trước. “Rất dễ để có thể dạy trẻ em bắt chước các câu nói, nhưng chúng lại không hiểu chúng đang nói gì. Nếu như hỏi một vấn đề khác ngoài phạm vi được dạy, chúng đột ngột sẽ trở nên nhút nhát. Điều quan trọng không phải là bắt trẻ đi học trước, nhồi nhét kiến thức, mà chính cha mẹ phải là người biết kết hợp giữa học và chơi để từ đó trẻ có thể tự nhận biết và tiếp thu vấn đề.


Theo quan điểm của phó Giáo sư Lam Ho Cheong – chuyên ngành giáo dục mầm non, một mặt chúng ta phải phát triển khả năng tiềm ẩn song đồng thời cũng phải tạo niềm đam mê cho trẻ nhỏ. Nếu như bị ép buộc từ quá sớm, trẻ em sẽ mất hứng thú trong việc học. Nhiều giáo viên cùng đồng tình, thay vì cho trẻ tham gia các lớp học thêm, cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên con cái.

 

 

Hồng Hạnh (Theo BBC)