02:16 23/02/2012

Trẻ Dao Tiền chơi xuân

Trẻ em Dao Tiền ở Phiêng Luông khi chập chững biết đi là theo chúng bạn đi chơi xuân. Các trò chơi như: Đi tìm quả đồi tốt, thi trèo cây, thi hái mận, thi nhảy xa, chơi rồng rắn… tạo nên những tiếng cười vui dường như dài bất tận nơi góc núi Mộc Châu.

Ngay cả khi những ngày Tết dưới xuôi đã kết thúc, ngày xuân vẫn còn ở lại với người Dao Tiền ở Phiêng Luông (Mộc Châu - Sơn La). Trong suốt cả tháng Giêng họ phô diễn những bản sắc văn hóa của tộc người mình như làm bánh nếp, xòe chuông, Lễ cầu mùa, Tết nhảy lửa… nhưng vui nhộn và hào hứng nhất là đám trẻ. Vì rằng, những ngày xuân của các em sẽ còn kéo dài với các trò chơi dân gian cho tới khi Tết của người lớn đã qua rồi.

Để đi chơi xuân, trẻ em được bố mẹ mặc trang phục truyền thống của người Dao Tiền.

Theo các già bản ở Phiêng Luông kể rằng: Ngày xưa, người Dao Tiền phải thiên di đi tìm vùng đất mới để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Cuộc thiên di của họ vô cùng vất vả, gian khổ, phải vượt qua không biết bao nhiêu sông, núi, rừng hoang cách trở. Khi đã chọn được vùng đất tốt bên bờ suối Khem làm nơi định cư thì các già bản mới tập hợp đám trẻ con lại sáng chế ra các trò chơi mô phỏng quá trình thiên di đó và các sinh hoạt thường ngày của người Dao Tiền gắn với mảnh đất Phiêng Luông.

Những đồng tiền ở vòng trang sức của các trẻ em nữ thể hiện ước muốn sung túc của người Dao dành cho trẻ em.

Đời đời truyền lại cho nhau, trẻ em Dao Tiền ở Phiêng Luông khi chập chững biết đi là theo chúng bạn đi chơi xuân. Sân nhà trưởng bản hay trong rừng mận, rừng đào là địa điểm tụ họp để trẻ em vui chơi. Trẻ em không phân biệt lứa tuổi, tự chia nhóm, tốp để vui chơi. Các trò chơi như: Đi tìm quả đồi tốt, thi trèo cây, thi hái mận, thi nhảy xa, chơi rồng rắn… tạo nên những tiếng cười vui dường như dài bất tận nơi góc núi Mộc Châu.

Trẻ em tập trung bên bếp lửa nghe già bản kể chuyện cổ tích, truyền thuyết của người Dao Tiền


Từng đoàn trẻ em tụ họp lại chơi trò chơi đi tìm quả đồi tốt. Trẻ em đi trong đường bản, rừng mận, vừa đi vừa hát đồng dao “Cút ca cút kít/ Làm ít ăn nhiều/ Nằm đâu ngủ đấy/ Nó lấy mất cưa/ Lấy gì mà kéo...”, để phê phán những người lười lao động. Đoàn trẻ em cứ đi mãi đến khi có một em trong đoàn bị vấp ngã thì cả đoàn dừng lại rồi hô to “Quả đồi tốt đây rồi” và bắt đầu thi hái mận. Cuộc thi hái mận chỉ dành cho các trẻ em nam trèo lên những cây mận cổ thụ để hái được quả to nhất và nhiều nhất.

Trò chơi đi tìm quả đồi tốt

Thi nhảy xa

Thi leo cây mận đối với trẻ em nam

Trò chơi vòng tròn hát đồng dao. Các em tạo thành vòng tròn thi hát đồng dao cho đến khi em nào không thuộc bài hát nữa sẽ bị thua cuộc.

Thi hát đối đáp đồng dao trong rừng mận

Chơi xuân giúp trẻ em rèn luyện sức khỏe và tưởng nhớ đến cội nguồn của người Dao Tiền.


Cuộc thi nhảy xa mô phỏng mơ ước con người có thể nhảy từ quả núi này sang quả núi kia của người Dao Tiền trong quá trình thiên di đi tìm vùng đất tốt. Trẻ em cứ thay nhau nhảy xa trên sân nhà trưởng bản cho đến khi trời tối mới chịu ăn uống. Vào ngày Tết, trẻ em trong bản cũng được ngồi một mâm như người lớn ăn bánh nếp, thịt nướng, thị chua nhưng không được uống rượu.

Các trò chơi dân gian giúp trẻ em Dao Tiền học được bài học đoàn kết và hiểu biết về lịch sử tộc người Dao Tiền.

Người thắng cuộc trong các trò chơi của trẻ em Dao Tiền không có phần thưởng gì nhưng là trẻ em thì ai cũng muốn thắng cuộc. Trong tín ngưỡng của người Dao Tiền, trẻ em thắng cuộc sẽ là người khỏe mạnh, đi được vạt nương xa, rừng sâu và hái được nhiều mận phụ giúp kinh tế gia đình trong năm tới.

Bài: Hải Yến-Ảnh:Thông Thiện