08:07 06/08/2013

“Trâu sắt” về bản

Nhờ hiệu quả của Chương trình 135 giai đoạn II, đồng bào Mông ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã biết dùng máy bừa nhỏ để giảm sức lao động, rút ngắn thời gian sản xuất nông nghiệp.

Nhờ hiệu quả của Chương trình 135 giai đoạn II, đồng bào Mông ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã biết dùng máy bừa nhỏ để giảm sức lao động, rút ngắn thời gian sản xuất nông nghiệp.


Anh Lý A Cu, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải phấn khởi khi có máy bừa.

Bừa nhỏ là loại máy rất phù hợp với điều kiện vùng cao, nhất là với những thửa ruộng bậc thang nhỏ hẹp có địa hình thấp. Có máy, đồng bào Mông Mù Cang Chải thêm phấn khởi, họ thường gọi vui máy bừa nhỏ là “Trâu sắt” của bản làng.


Ông Hờ A Khua, bản Háng Tàu Dê, xã Chế Cu Nha, cho biết: “Nhiều năm trước đây để bừa xong mấy mảnh ruộng này, mình phải dùng trâu mất vài ngày, nhưng vụ mùa năm nay nhờ được đầu tư “trâu sắt” chỉ mất nửa ngày là xong”. Ông Hờ A Khua nhẩm tính: Nếu dùng máy hết công suất trong 1 ngày cũng chỉ hết 100.000 đồng tiền dầu, song năng suất tăng gấp 2 - 3 lần so với dùng trâu cày.


Vừa nghỉ tay sau khi bừa xong thửa ruộng, anh Lý A Cu, xã Chế Cu Nha chia sẻ: Máy cày này xã đã giao cho 5 gia đình cùng sử dụng. Dùng thì thấy nhẹ nhàng mà tiện lợi hơn con trâu rất nhiều.


Năm 2012, từ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn… xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã được đầu tư 13 máy bừa nhỏ. Xã bàn giao cho 13 nhóm hộ, gồm 65 gia đình quản lý và sử dụng.


Huyện Mù Cang Chải đang tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó xác định người dân đóng vai trò quan trọng, là chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới. Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ góp phần giảm sức lao động, giảm ngày công mà còn giúp tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao… Đây cũng là một trong những tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Ông Giàng A Của, Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha cho biết: Bà con đưa máy đi sản xuất tại những thửa ruộng bậc thang trên núi thấy rất thuận tiện. Máy nhẹ nhưng công suất bằng 2 con trâu to khỏe. Sử dụng máy giúp giảm sức lao động cho người dân, năng suất lao động tăng hơn nhiều so với sử dụng trâu. Ông mong được Đảng, Nhà nước dành thêm nguồn vốn 135 cho xã, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nghèo được cải thiện sức lao động…


Máy bừa nhỏ đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, giúp đồng bào Mông nâng cao nhận thức, từng bước chuyển từ phương thức canh tác truyền thống sang sử dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất cây trồng. Đây cũng là phương tiện giúp đồng bào Mông ở xã vùng núi xa xôi này thoát nghèo một cách bền vững.

 


Tuấn Anh