09:16 25/09/2021

Trao quyền cho phụ nữ để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch

Các nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra gần 2 năm qua tác động nghiêm trọng hơn tới phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người ở các nước nghèo, phụ nữ bản địa, phụ nữ da màu và sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Chú thích ảnh
Bà Jan Tinetti, Bộ trưởng Bộ phụ nữ kiên Bộ trưởng Bộ Nội vụ New Zealand - Chủ trì diễn đàn phát biểu, ngày 24/9. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về giới và xã hội vốn đã hiện hữu ở nhiều khu vực, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời để lại những ảnh hưởng nặng nề ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát. Hội nghị thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) về phụ nữ và kinh tế năm 2021, diễn ra chiều 24/9, đã tập trung vào tiến trình phục hồi hậu đại dịch cũng như những thay đổi cần thiết để tiếp tục nâng cao cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế chính thức.

Theo các dữ liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với năm 2019, số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động trong năm 2021 sẽ giảm 13 triệu người, trong khi số lượng nam giới trở lại lực lượng lao động sẽ phục hồi về mức tương đương năm 2020. Phụ nữ chịu tác động nặng nề hơn, không chỉ vì các lĩnh vực có nhiều phụ nữ làm việc là những lĩnh vực chịu tổn thất nhiều nhất, mà còn bởi họ buộc phải nghỉ việc để hoàn thành các nghĩa vụ gia đình như chăm sóc người già và trẻ nhỏ do những dịch vụ liên quan đều bị gián đoạn trong dịch bệnh.

Ngân hàng thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng trong nửa đầu năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, tỷ lệ phụ nữ ở các nước châu Á- Thái Bình Dương mất việc cao hơn nam giới. Báo cáo của McKinsey &Company cho thấy phụ nữ chiếm khoảng 39% số lượng việc làm toàn cầu nhưng có tới 54% số lượng việc làm dành cho phụ nữ bị mất đi vì tác động của đại dịch.

Theo Oxfarm, năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến phụ nữ thế giới mất đi ít nhất 800 tỷ USD thu nhập, tương đương với tổng sản phẩm quốc nội của 2 nền kinh tế Thái Lan và Việt Nam cộng lại. Đáng buồn là những hậu quả trên còn đe dọa xóa bỏ nhiều thành tựu mà phong trào vì phụ nữ đã làm được trong thập niên qua trên các tiêu chí như nâng cao bình đẳng giới và thu nhập tại nơi làm việc. 

Thực trạng trên đặt ra một đòi hỏi cấp bách rằng các lĩnh vực công và tư nhân, cùng các tổ chức xã hội cần phối hợp để đưa ra những chính sách có cơ sở chắc chắn giúp đảo ngược những tác động mà đại dịch gây ra với phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và việc làm, và khuyến khích nữ giới tham gia vào tiến trình phục hồi hậu đại dịch, đầu tư cho phụ nữ. Đây là những vấn đề bao trùm, trên quy mô lớn mà một tổ chức hay một lĩnh vực đơn lẻ không thể tự giải quyết độc lập. Bởi vậy, APEC đã lấy đây làm chủ đề chính cho Diễn đàn phụ nữ và kinh tế năm 2021 để các nền kinh tế thành viên, các tổ chức công và tư nhân đều cùng tham gia thảo luận và tìm kiếm giải pháp.

Trên thực tế, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, APEC đã luôn chú trọng cải thiện các cơ hội kinh tế của phụ nữ và cũng liên tục thực hiện những đánh giá về kết quả đạt được cũng như những điểm cần khắc phục, điều chỉnh. Theo báo cáo dữ liệu Phụ nữ và kinh tế APEC 2021 được Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC cập nhật ngày 10/9, các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục đạt được những bước tiến đáng chú ý nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế khu vực, đặc biệt là vấn đề cải thiện khả năng tiếp cận việc làm của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong các chính sách và thực tiễn. Tất cả các nền kinh tế APEC đều cho phép phụ nữ làm việc như nam giới, trong khi 18 nền kinh tế có chính sách tuyển dụng không phân biệt đối xử dựa trên giới tính. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong APEC giảm, từ 4,4% năm 2008 xuống 3,7% năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu bật những vấn đề tồn tại. Đến năm 2020, mới có 10 trong tổng số 21 nền kinh tế APEC yêu cầu trả lương ngang nhau cho lao động nam và nữ làm công việc có giá trị như nhau, tức là trong suốt giai đoạn từ 2008-2020, chỉ có thêm 2 nền kinh tế APEC  bổ sung yêu cầu này, phản ánh một tốc độ quá chậm chạp.

Ngoài ra, ở một số nền kinh tế, phụ nữ không được phép làm việc trong các ngành công nghiệp giống như nam giới. Các chính sách yếu kém và định kiến giới tiếp tục kìm hãm sự tiến bộ trong một số lĩnh vực chính. Tiến sĩ Rebecca Sta Maria - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC - cho rằng, tác động không đồng đều của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ càng làm rõ hơn những lỗ hổng trong nỗ lực của APEC nhằm nâng cao tiềm năng kinh tế của phụ nữ

Tại Diễn đàn APEC về phụ nữ và kinh tế năm 2021 do New Zealand chủ trì, các bộ trưởng và quan chức cấp cao của các nền kinh tế thành viên APEC đã thảo luận về những cam kết và quyết định giúp đặt nền móng cho một tương lai vững chắc hơn cho phụ nữ và trẻ em gái, vì một nền kinh tế khu vực bền bỉ hơn với sự tham gia ngày càng đông đảo của lực lượng lao động nữ. Cùng với đó, trọng tâm của chương trình nghị sự là tìm kiếm các biện pháp tập trung cải thiện bình đẳng giới và tăng quyền lực kinh tế cho phụ nữ trên toàn khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có triển khai những chính sách giúp nâng cao cơ hội tiếp cận nguồn vốn và thị trường cho phụ nữ, thúc đẩy nữ giới tham gia lực lượng lao động, nâng cao cơ hội cho phụ nữ nắm giữ những chức vụ lãnh đạo và hỗ trợ giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng cho nữ giới.

Bộ trưởng Phụ nữ New Zealand Jan Tinetti, chủ trì diễn đàn, nhấn mạnh phụ nữ đảm nhận rất nhiều công việc quan trọng, có vai trò lớn  trong ứng phó đại dịch COVID-19, song nhiều nền kinh tế thành viên chưa quan tâm thích đáng tới những tác động của đại dịch tới cơ hội việc làm và đời sống của phụ nữ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã đề nghị các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất đối với phụ nữ như bảo đảm sức khỏe, tạo việc làm và thu nhập bền vững, chia sẻ vaccine công bằng…, đặc biệt là đảm bảo phụ nữ được tiếp cận vaccine. Đây là những lĩnh vực đã và đang được Việt Nam ưu tiên thúc đẩy nhằm bảo đảm thực hiện cam kết về bình đẳng giới trước những khó khăn của đại dịch, trong đó có việc mở rộng chính sách ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đối tượng phụ nữ mang thai trên 13 tuần và đang cho con bú; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong đại dịch…

Các đại biểu đã thông qua tuyên bố chung thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của cả khu vực trong việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các đại biểu đã nhất trí triển khai những chính sách cho phép và thúc đẩy phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế chính thức, bằng cách phát hiện và thu hẹp khoảng cách chi trả lương, phân biệt nghề nghiệp và dỡ bỏ những rào cản phân biệt pháp lý và quy định đối với những doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ điều hành hay các doanh nhân là nữ giới. Các bên cũng cam kết thúc đẩy cân bằng công việc và cuộc sống, chia sẻ công bằng trách nhiệm thực hiện những nghĩa vụ và công việc chăm sóc gia đình… Tuyên bố của diễn đàn sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC vào cuối năm nay.

Tiến sĩ Rebecca Sta Maria nhấn mạnh có nhiều cách khác nhau để có thể nâng cao nhận thức, giúp giải quyết các thành kiến về giới và tiến tới một xã hội bình đẳng, nhưng thông điệp đều giống nhau: loại bỏ các chính sách và thái độ phân biệt đối xử đòi hỏi nhận thức và hành động tập thể và thời điểm để bắt đầu là ngay từ bây giờ. Bộ trưởng Phụ nữ New Zeland thì khẳng định những thách thức hiện tại cũng chỉ ra một cơ hội lớn để tái tổ chức, thay đổi những định kiến, cho phép phụ nữ và trẻ em gái phát huy toàn bộ tiềm năng, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, bởi “chúng ta đều biết rằng các nền kinh tế thành viên APEC sẽ hưởng lợi ích bền vững một khi đạt được những mục tiêu vì phụ nữ và trẻ em gái, đó chính là cách tạo điều kiện để thúc đẩy sản lượng, sự thịnh vượng, sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Lê Ánh (TTXVN)