02:17 09/02/2015

Trào lưu mứt “handmade” – kẻ cười người khóc

Đối phó với thực trạng một số cơ sở làm mứt kém vệ sinh, không ít các bà nội trợ đã chủ động tìm kiếm, học hỏi cách thức tự làm các loại mứt để an tâm đón Tết.

Tết nguyên đán càng đến gần, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân ngày càng tăng. Lợi dụng thời điểm này những cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã trà trộn vào thị trường các mặt hàng kém chất lượng. Đối phó với thực trạng này, không ít các bà nội trợ đã chủ động tìm kiếm, học hỏi cách thức tự làm các loại mứt để an tâm đón Tết.

Một trào lưu hay


Từ lâu, mứt đã được mặc định như một món ăn tinh thần mỗi dịp tết đến xuân về. Nó đi sâu vào tiềm thức của người Việt, trở thành hương vị truyền thống mà không ai có thể phủ nhận.


Người dân tự làm mứt tết


Tuy nhiên, trong thời điểm cơn bão thực phẩm bẩn đang hoành hành thay vì chọn mua các loại mứt được chế biến sẵn như mọi năm thì năm nay các bà, các chị lại đổ xô đi mua nguyên liệu để tự làm.


Âu cũng là điều dễ hiểu khi giá các loại nguyên liệu để chế biến mứt tăng một cách đột biến. Nếu như năm ngoái giá của một trái dừa bánh tẻ (loại được chọn để làm mứt dừa - PV) chỉ rơi vào khoảng 9.000 đến 11.000 đồng thì năm nay đã tăng gấp đôi từ 19.000 đến 25.000 đồng/trái.


Cùng với đó những nguyên liệu được ưa chuộng như: bí, cà rốt, táo, nho, quất, hạt sen… cũng tăng từ 10 đến 20% so với năm ngoái. Đấy là chưa kể các nguyên liệu kèm theo để tạo màu, tạo vị cho mứt như: lá dứa, lá cẩm, nghệ, gấc, cà chua, gừng, đường cát… cũng tăng một cách đáng kể.


Điều đặc biệt là giá nguyên liệu biến chuyển mạnh nhưng trào lưu “mứt handmade” (tự tay làm - PV) vẫn không hề giảm. Theo như chị Thu Hạnh, một người chuyên buôn dừa ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho hay: “Ngay từ những ngày đầu tháng 1, nhiều người đã rục rịch rủ nhau đi mua hoặc đặt trước với số lượng lớn để làm mứt. Gần đây, có ngày chị bán lẻ được gần trăm trái là điều hết sức bình thường đấy còn chưa kể đổ buôn cho các đại lý.”


Theo lý giải của các chị em thì việc tự tay làm mứt vừa để thoả đam mê bếp núc vừa để bảo vệ, chăm sóc gia đình tốt hơn trong thời buổi thật giả lẫn lộn. Phải chăng, đây chính là một trong những cách mà phụ nữ ngày nay thể hiện sự “nữ công gia chánh”?


“Của một đồng công một nén”


Đáp ứng nhu cầu tự làm mứt tại gia của các chị em, các diễn đàn, các trang mạng xã hội liên tục cập nhật, chia sẻ các công thức đồng thời quảng cáo luôn các địa chỉ chuyên cung cấp nguyên liệu.


Công thức kiểu gì cũng có từ đơn giản cho tới phức tạp, tha hồ chọn lựa, nguyên liệu cũng vô cùng đa dạng và phong phú, chẳng thiếu chỗ mua. Điều đó khiến nhiều người tưởng rằng ai cũng dễ dàng làm được nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy mọi thứ không đơn giản chút nào.


Đơn cử như mứt dừa, loại mứt được cho là vừa dễ làm vừa dễ ăn, thường được các bà, các mẹ ưu tiên chọn lựa thực hiện. Nhưng không phải lúc nào hay không phải ai cũng có thể chế biến thành công loại mứt này.


“Chỉ cần xểnh tay một chút là màu sắc, hương vị của nó đã có sự khác biệt. Mọi thứ đều phải kĩ càng, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến cũng như bảo quản. Nếu mua phải trái non quá hoặc già quá khi nạo sẽ bị đứt khó mà thành sợi. Còn nếu như cho đường quá tay, đun quá lửa, đảo không đều… thì dĩ nhiên không thể làm ra mẻ mứt ngon được.” (Bà Lan, Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ)


Nhiều cửa hàng mứt vắng khách



Có thể thấy, các công đoạn để tạo ra một món ăn tinh thần cần không ít thời gian, công sức cũng như tình cảm, tâm huyết của mỗi người. Mặc dù không đơn giản, tiết kiệm là mấy nhưng không ít người vẫn sẵn sàng bỏ ra khá nhiều thời gian cho món quà dân dã này.


Nhưng niềm vui của những người nội trợ lại là nỗi buồn của các cơ sở sản xuất, các tiểu thương kinh doanh bánh mứt kẹo trong thời điểm này. Bởi trào lưu tự làm mứt tại nhà vô hình chung đã làm nguội lạnh sức mua của người tiêu dùng. Nó đã đẩy các doanh nghiệp, các siêu thị, các đại lý vào tình trạng ế ẩm. Đây là điều không thể tránh khỏi khi trào lưu tự làm, tự bán đồ “handmade” diễn ra phổ biến.

“Mặc dù đã mạo hiểm nhập đầy đủ các chủng loại, mẫu mã đồng thời liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút người mua” nhưng cửa hàng của ông Hoàng tại Cầu Giấy, Hà Nội “vẫn trong thế chờ khách”.


Mặc cho Tết sắp đến gần nhưng người dân vẫn thờ ơ, lạnh nhạt với các loại bánh mứt kẹo công nghiệp. Có phải do tình hình kinh tế không mấy khởi sắc trong năm vừa qua hay do tâm lý lo ngại vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường? Nguyên nhân thì ai cũng rõ nhưng giải quyết thế nào lại là một chuyện không dễ chút nào.


Nguyễn Thu Trang