09:17 18/09/2020

Trao giải cuộc thi viết 'Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác'

Lễ trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019-2020 do báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức đã diễn ra chiều 18/9, tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Quanh cảnh lễ tổng kết, trao giải và phát động cuộc thi. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên từ năm học 2017-2018, qua mỗi lần tổ chức, Ban Tổ chức đã nhận được thêm nhiều tác phẩm mới về những tấm gương điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Năm nay, Ban Tổ chức cuộc thi cũng đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên ở cả 63 tỉnh, phố với số lượng tác phẩm dự thi gần 10 nghìn bài. Điều này khẳng định ý nghĩa thiết thực và những tác động tích cực cùng sức lan tỏa của cuộc thi, sự trân trọng của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo và nhà trường.

Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam hy vọng: Những nỗ lực cống hiến của các thầy cô, các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục sẽ tạo sức lan tỏa lớn trong ngành và xã hội, tạo động lực cho các nhà giáo, học sinh, sinh viên trên cả nước tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập và công tác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp “trồng người” đầy vinh quang và thử thách trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo hiện nay.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức trao giải cho các tập thể có số lượng bài dự thi nhiều và đạt kết quả cao. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nhân dịp này, thay mặt Ban tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Hợp cũng phát động cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ IV, năm học 2020 - 2021. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 18/9/2020 đến ngày 28/2/2021.

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm dự thi, ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, đại diện Ban giám khảo cho biết: Năm nay, các bài dự thi đạt chất lượng khá tốt, nội dung phong phú, có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại xúc cảm sâu sắc cho người đọc bởi những hành động nhân văn cao cả hay những tấm gương tâm huyết, sáng tạo trong học tập, công tác.

Có những tác phẩm được tác giả dồn cả tâm huyết, tình cảm và sự biết ơn để gửi tới thầy cô giáo với những hoài niệm đẹp đẽ về mái trường mến yêu. Có rất nhiều tình huống đời thực được tác giả thuật lại trong tác phẩm dự thi bằng những từ ngữ dung dị nhưng chan chứa cảm xúc. Đó là những việc làm, tấm lòng của thầy cô giúp thay đổi suy nghĩ, hướng thiện cho học trò hoặc những cảm nhận, cảm phục của thầy cô với học trò. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, việc làm có ảnh hưởng tích cực đến tập thể, khơi dậy niềm say mê công việc, tinh thần lao động hăng say ở mỗi cán bộ, giáo viên trong nhà trường.

Chú thích ảnh
 Tác giả Lê Trầm Phương Thanh, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) dành giải Nhất trực tuyến với bài viết "Học sử qua bài hát và những chuyến đi". Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Kết quả, Ban tổ chức đã lựa chọn để trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao giải cho 1 nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải và 2 giải cho tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt.

Giải nhất cuộc thi thuộc về tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi” của nhà giáo Lê Trầm Phương Thanh, Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đây là tác phẩm viết về hoạt động giáo dục Lịch sử do thầy Nguyễn Hữu Nhân khởi xướng. Cô Thanh là người nhiều năm cộng tác với thầy Nhân và bộ môn Lịch sử để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh. Tác phẩm nhằm hướng tới ước muốn lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh, bảo vệ, xây dựng đất nước của tiền nhân. Qua đó, khơi dậy lòng yêu thích học Sử của học sinh, từng bước rèn luyện kỹ năng sống cho các em.

Việt Hà  (TTXVN)