11:11 22/11/2024

Trao giải cuộc thi viết ‘Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường’ năm 2024

Sáng 22/11, tại Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba… cho các tác phẩm xuất sắc tham gia cuộc thi.

Bà Đặng Thị Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Ban Giám khảo chung khảo cuộc thi chia sẻ tại lễ trao giải:

Sau 2 tháng phát động, cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024 đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của nhiều tác giả trên cả nước. Từ gần 85.000 tác phẩm gửi về Ban tổ chức, Ban Giám khảo sơ khảo đã lựa chọn được 46 tác phẩm vào vòng chung khảo. 

Tại buổi lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao 2 tác phẩm đoạt giải Nhất, 4 tác phẩm đoạt giải Nhì, 6 tác phẩm đoạt giải Ba, 10 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích, 4 giải thưởng phụ cho 2 nhân vật tiêu biểu và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.

Hai tác phẩm đạt giải Nhất được trao cho tác phẩm “Phím đàn trầm” của tác giả Võ Thị Bê, giáo viên trường THPT Vĩnh Định (tỉnh Quảng Trị) và tác phẩm “Trầm tích phù sa” của tác giả Nguyễn Bình An, giáo viên trường THPT Châu Phong (tỉnh An Giang).

Chú thích ảnh
Trao giải nhất của cuộc thi.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Đặng Thị Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Ban Giám khảo chung khảo cuộc thi, cho biết: “Sau nhiều năm tổ chức, cuộc thi đã tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong các nhà trường nói riêng và xã hội nói chung. Năm 2019 và 2020, cả nước đều trải qua khủng hoảng về COVID-19, nhưng cuộc thi vẫn được tổ chức và thành công vang dội. Như một làn gió mát, cuộc thi ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút hàng triệu giáo viên và học sinh, sinh viên và những người ngoài ngành giáo dục trên mọi miền Tổ quốc tham gia.

Các tác giả dự thi là những học sinh vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, hay những người trưởng thành, có nghề nghiệp và công việc giúp ích cho đời; những thầy cô giáo đang dạy học hoặc đã nghỉ hưu… Những kỷ niệm họ mang đến cuộc thi là những tình cảm thấm đẫm tính nhân văn, tình thầy trò trân quý… Mỗi tác phẩm là một sắc thái tình cảm, một kỷ niệm sâu sắc, một dấu ấn cuộc đời của người học sinh gắn với những xúc cảm cao đẹp của tình thầy trò, khiến người đọc dường như được sống trong khoảng thời gian, không gian kỷ niệm của tác giả”.

Chú thích ảnh
Học sinh Bùi Nguyễn Linh An tại lễ trao giải. 

Đó là câu chuyện của học sinh Bùi Nguyễn Linh An, khi phải đối mặt với căn bệnh ung thư máu cùng nỗi đau thể xác và tinh thần, cô Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (thành phố Kon Tum) luôn bên cạnh động viên, quan tâm, giúp đỡ em và gia đình trong lúc khó khăn. “Linh An ơi, con là một cô bé mạnh mẽ. Cô tin rằng con sẽ vượt qua được tất cả, chỉ cần con không bao giờ từ bỏ niềm tin vào cuộc sống”, những câu nói nhẹ nhàng, trìu mến… đã mang đến nguồn sức mạnh vô hình, nâng đỡ tinh thần Linh An trong những ngày tháng tối tăm nhất. 

Hay những bài viết về các thầy cô tình nguyện làm đơn đi công tác biệt phái tại các trường vùng núi. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, ít thời gian dành cho gia đình… nhưng họ vẫn quyết tâm, hăng hái lên đường hướng về những học sinh thân yêu. Khó khăn hơn khi để trao đi những con chữ, các thầy cô phải vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa... các em học sinh chưa thuần thục tiếng Việt, các thầy cô cũng chưa thể nói tiếng của đồng bào. Để có thể giao tiếp và hiểu học sinh, các thầy cô đã dành nhiều thời gian tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa, tham gia vào các hoạt động cùng dân làng, học từ vựng qua các cuộc trò chuyện hàng ngày….

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Các tác giả, tác phẩm được vinh danh tại cuộc thi.

Đó là câu chuyện về cô Minh, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nhiều lần lặn lội “giải cứu” học trò khỏi tục lệ kéo vợ vào những ngày Tết.

Mỗi lần “giải cứu” đều diễn ra rất căng thẳng, nhưng với sự khéo léo trong công tác dân vận của cô và khả năng nói tiếng dân tộc của mình, cô đã thuyết phục được gia đình hiểu đúng pháp luật và thành công giải cứu học sinh của mình.

Đối với tác giả, cô như người mẹ thứ hai, là người truyền cảm hứng trong mỗi bài giảng và truyền dạy những bài học làm người. Cô dạy cách vượt qua những khó khăn và dạy học sinh cách khiêm tốn…

Những hình ảnh thầy cô giáo trong các bài viết dự thi được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện.. song, dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào, các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về các thầy cô giáo.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức