11:18 23/11/2018

Trao Giải báo chí với phát triển bền vững năm 2018

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Truyền thông (RED), Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) cùng sự đồng hành các đối tác phát triển, chiều 23/11, tại Hà Nội, RED và Văn phòng Phát triển bền vững (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp tổ chức trao Giải báo chí với phát triển bền vững năm 2018 và phát động giải năm 2019.

Chú thích ảnh
Bà Deborah Paul, Đại sư Canada tại Việt Nam phát biểu tại Lễ trao Giải báo chí với phát triển bền vững. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Đây là một sáng kiến truyền thông được ghi nhận vào chương trình hành động 2018 nhằm khích lệ hoạt động truyền thông hiệu quả về phát triển bền vững ở Việt Nam.

Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trách nhiệm tham gia vào phát triển bền vững thuộc về tất cả mọi người (Nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ (NGOs), doanh nghiệp và mỗi người dân, trong đó, báo chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền thông phát triển bền vững, giúp xã hội nhận thức được vai trò của mình.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) Trần Nhật Minh, mục tiêu tổng quát của giải nhằm thúc đẩy báo chí Việt Nam tham gia tích cực vào các mục tiêu phát triển bền vững (VSDGs); tạo dựng một sự kiện thường niên kết nối báo chí với giới phát triển; đồng thời, đề cao các giá trị xuyên suốt của phát triển bền vững và hàm lượng chính sách phát triển trong các sản phẩm báo chí.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Cố vấn chính sách RED Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 5 tháng phát động và tổ chức “Giải Báo chí với Phát triển bền vững 2018”, Ban tổ chức đã nhận được 503 bài tham dự từ 173 tác giả của 142 tờ báo trên cả nước. Trong số này có nhiều bài báo của các nhà báo đến từ các báo lớn như TTXVN, Chính phủ điện tử, Vnexpress.net, Dân Trí, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong…

Thể loại bài tham dự giải phong phú, từ các tin tức cho tới các loạt bài phóng sự, phóng sự điều tra, ghi nhanh… trong đó có 140 phóng sự điều tra, 27 phóng sự và 171 tin. Đối tượng tham gia phong phú, bên cạnh các nhà báo còn có các luật sự, nhà nghiên cứu, các cộng tác viên báo chí. Đặc biệt, số lượng nữ tác nữ tác giả tham gia giải chiếm ưu thế, tới 94 tác giả.

Chú thích ảnh
Các tác giả nhận giải về giới tại Lễ trao Giải báo chí với phát triển bền vững. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Ban tổ chức đã trao 10 giải cho các tác phẩm đoạt giải trong đó lĩnh vực về môi trường có 6 giải, lĩnh vực về giới có 4 giải. Tác phẩm đoạt giải A về lĩnh vực môi trường thuộc về tác phẩm Loạt bài “Những mùa dứa thối trên nương ở Lào Cai” (Tác giả: Phạm Kế Toại, Báo Nông nghiệp Việt Nam); tác phẩm đoạt Giải A về lĩnh vực giới thuộc về  Loạt bài “Cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì” (Tác giả: Tuấn Ngọc - Tô Dung, Báo Lào Cai). Tác giả Võ Mạnh Hùng, Báo Vietnamplus, Thông tấn xã Việt Nam đoạt Giải B lĩnh vực môi trường với tác phẩm Những mỏm núi tang thương ở Hòa Bình.

Bà Deborah Paul- Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết, 17 Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SGDs) đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 (VSDGs) được ban hành tháng 5/2017 với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia trên cơ sở kết quả thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Khác với các mục tiêu thiên niên kỷ nhấn mạnh vai trò nhà nước, các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi sự chung tay của mọi người, với khẩu hiệu quen thuộc “không để ai ở lại phía sau”. Giải thưởng này nhằm vào các sản phẩm báo chí nhưng khác với giải thưởng báo chí thông thường ở chỗ nó nhấn mạnh và cổ vũ cho hoạt động truyền thông hiệu quả về phát triển bền vững.

Cũng tại buổi lễ trao giải, ông Nguyễn Chí Dũng cũng đã công bố thể lệ “Giải báo chí với phát triển bền vững năm 2019” theo đó hạn cuối nhận bài vào ngày 31/10/2019, dự kiến trao giải vào cuối tháng 11/2019.

Diệu Thúy (TTXVN)