09:13 07/09/2018

Trao Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đài Phát thanh Giải phóng

Sáng 7/9, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đài Phát thanh Giải Phóng. Đây là sự kiện đặc biệt nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập (7/9/1945 - 7/9/2018) của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cùng dự buổi lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài qua các thời kỳ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc và đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài Phát thanh Giải phóng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Qua 14 năm hoạt động, Đài Phát thanh Giải phóng đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hôm nay là vinh quang trước hết thuộc về 25 liệt sĩ đã ngã xuống trên các chiến trường cho làn sóng phát thanh giải phóng liên tục mạnh mẽ, vang xa.

Đây cũng thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với hơn 600 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên… các thời kỳ của Đài Phát thanh Giải phóng đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Theo Thủ tướng, đất nước đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, kinh tế số, mạng xã hội… đến mọi mặt đời sống xã hội.

Nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan thông tin báo chí là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang nhằm thực hiện sứ mệnh tuyên truyền vận động, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng mong muốn, phát huy truyền thống 73 năm hoạt động, đặc biệt là ý chí cách mạng kiên cường của các thế hệ cán bộ Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, giữ vững, phát huy vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt của báo chí cách mạng Việt Nam, là một trong những cơ quan báo chí chủ lực của Đảng và Nhà nước ta.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Đài Phát thanh Giải phóng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo các chiến lược, kế hoạch phát triển của Đài, Thủ tướng cho rằng: Đài Tiếng nói Việt Nam cần quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí đến từng cán bộ, đảng viên, nhân viên; không ngừng đào tạo, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức báo chí, đặc biệt là đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Xây dựng Đài là một tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, nỗ lực phấn đầu trở thành một trong những cơ quan truyền thông đa phương tiện hàng đầu của Đảng, Nhà nước.

Đài cần tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hóa, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại vào tổ chức sản xuất nội dung chương trình và phát sóng, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của người dân, của doanh nghiệp.

Các phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam cần nêu cao tinh thần là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, chủ động sáng tạo, có nhiều tin, bài sâu sắc, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, góp phần nhân rộng những gương điển hình người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hay, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ phản biện xã hội, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đài cũng cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin đối ngoại; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, mang tính chiến lược đối với sự phát triển của Đài trong kỷ nguyên số; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí khác chủ động thông tin khách quan, đầy đủ, kịp thời về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Thủ tướng đề nghị Đài cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động đưa tin khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời về các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Cùng với đó là thông tin về những vấn đề dư luận quan tâm, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, phản động; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội.

Bên cạnh đó, Đài cần chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung làm tốt công tác cán bộ, đặc biệt là đánh giá, bố trí đúng người, đúng việc; không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên; quản lý chặt chẽ, khai thác tốt các nguồn lực, tài sản được giao, chống tham ô, lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng mong muốn Đài Tiếng nói Việt Nam cần phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp “Uống nước, nhớ nguồn”, quan tâm chăm lo, động viên các thế hệ cán bộ đi trước, các nhà báo lão thành; đồng thời cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục thế hệ trẻ kế thừa, nối tiếp truyền thống cha anh.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong diễn văn tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ: Tháng 11/1961, tại căn cứ Tây Bắc (Tây Ninh), Đài Phát thanh Giải phóng được thành lập, bên cạnh Thông tấn xã Giải phóng và Báo Giải phóng trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam.

Ngay sau khi thành lập, Đài Phát thanh Giải phóng đã luôn sát cánh cùng Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng, Báo Giải phóng và các cơ quan báo chí khác, cùng cả dân tộc bền gan chiến đấu, lập nên những chiến công hiển hách.

Đặc biệt, Đài Phát thanh Giải phóng đã theo sát bước chân thần tốc của quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhanh chóng tiếp quản các đài phát thanh, truyền hình của địch, kịp thời phát Chương trình phát thanh đầu tiên của Chính quyền cách mạng vào lúc 20h ngày 30/4/1975, đánh dấu sự toàn thắng của Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đài Phát thanh Giải Phóng đã thực sự là một mũi tiến công sắc bén và hết sức quan trọng trên mặt trận thông tin, đưa tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - tiếng nói chính nghĩa đến với đồng bào, chiến sỹ cả nước, với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Qua đó, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa, toàn dân, toàn diện của đồng bào miền Nam, của dân tộc Việt Nam.

Sau khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ Đài Phát thanh Giải phóng B và A tỏa đi tiếp tục công tác tại các Đài Phát thanh - Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam… phát huy truyền thống Anh hùng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người làm phát thanh trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Sáng cùng ngày, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tiếng nói Việt Nam năm 2018. Đài đã trao 4 giải A, 8 giải B và 9 giải C ở các thể loại: Phát thanh; Truyền hình; Báo in - báo điện tử; Công trình nghiên cứu, công trình sáng tạo; Giải thưởng cho phát thanh viên, người dẫn chương trình; Lĩnh vực sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, nghiên cứu.

Mỹ Bình (TTXVN)