05:14 08/05/2020

Tranh vẽ của thiếu nhi trong Thế chiến thứ 2 được tái hiện trong hoạt hình thực tế ảo

Một loạt các bức vẽ của thiếu nhi từ Thế chiến thứ 2 được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia St. Petersburg đã được tái hiện trong các bộ phim hoạt hình thực tế ảo bởi các nghệ sĩ nổi tiếng.

Chú thích ảnh
Các nghệ sĩ thực tế ảo đã thổi hồn vào những bức tranh của trẻ em từ Thế chiến thứ 2. Ảnh: RT

Theo hãng tin RT (Nga), trong nhiều thập kỷ, Bảo tàng Lịch sử St. Petersburg đã lưu giữ khoảng 700 bức tranh thiếu nhi độc đáo được sáng tạo trong Trận bao vây Leningrad (8/9/1941 – 27/1/1944). Những bức vẽ này được thu thập bởi các giáo viên, nhân viên trong trường mẫu giáo, trại trẻ mồ côi và trường học, phản ánh cách nhìn nhận, diễn tả cảm xúc và ý tưởng của trẻ em về các sự kiện thời chiến. Các nhà giáo dục đã ghi lại những câu chuyện này và gắn vào bộ sưu tập, cẩn thận lưu giữ chúng như một tài liệu lịch sử.

“Gửi bố yêu! Con gửi cho bố lá thư này mong bố trở về sớm hơn. Con đã khóc rất nhiều vì bố đã không ở bên cạnh con. Bây giờ, khi viết thư gửi bố, con cũng đang khóc. Valechka đã qua đời. Mẹ đang làm dưa bắp cải và trồng rau. Con và mẹ sẽ ổn. Khi bắp cải mọc, con sẽ giúp mẹ thu hoạch. Mẹ cũng rất nhớ bố. Bố yêu, bố hãy trở về sớm hơn và mang theo chiến thắng. Đừng quên trả lời thư của con sớm nhé”, trích bức thư của Lucy, 6 tuổi, được viết từ ngày 2/10/1942.

Nhóm dự án #VictoryPages đã quyết định "hồi sinh" những bức tranh này thành những thước phim hoạt hình thực tế ảo sống động. Mỗi tập phim sẽ tái hiện một bức tranh mới cùng những câu chuyện riêng của những đứa trẻ, kèm theo lời giải thích của các nghệ sĩ, những người tạo ra các tác phẩm hoạt hình công phu theo phong cách riêng của mình. 

“Nghệ thuật ảo và công nghệ truyền thông mới mở ra không gian sáng tạo gần như vô hạn. Ngày nay, mỗi liên hoan phim đều có sự tham gia của một loạt bộ phim và dự án được tạo ra bằng công nghệ này. Chúng tôi rất hài lòng khi những bậc thầy thực tế ảo như Sutu, VRhuman, Denis Semionov đều tham gia vào dự án của chúng tôi. Công nghệ đã ban tặng cho chúng ta nhiều thực tế mới, đó là sự gắn kết, sự thực tế và sự tương tác”, Kirill Karnovich-Valua, tác giả dự án, nói.

“Những ý tưởng tranh vẽ của trẻ em về Trận bao vây Leningrad rất chân thành. Vì vậy, tôi khó có thể tưởng tượng làm thế nào để tái hiện lại chúng bằng thực tế ảo. Tôi đã xem toàn bộ bộ sưu tập và chọn 20 tác phẩm phù hợp với hoạt hình ảo. Sau đó, tôi quyết định mời các nghệ sĩ từ các quốc gia khác nhau nói lên quan điểm của họ về chủ đề này”, theo ông Semionov.

Nghệ sĩ Stuart Campbell tại Australia - được biết đến với bút danh Sutu Eats Flies - đã làm việc với các hãng phim và thương hiệu nổi tiếng như Disney, Marvel, Google, nổi bật với các bộ phim thực tế ảo như Doctor Strange và First Player Get Ready - cũng đã tham gia dự án.

“Mặc dù việc tái hiện dựa trên những nét vẽ thô sơ của trẻ em, nhưng chúng đã được sáng tạo trở thành những hình ảnh chân thực và sống động, như việc tàu chiến bay trên không, bom nổ, hay những cảnh quan bị tàn phá. Rõ ràng tác động của cuộc chiến đã ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Bằng việc tái hiện lại thế giới qua trí tưởng tượng của trẻ, tôi hy vọng có thể đưa ra một viễn cảnh mới về tác động của chiến tranh đối với trẻ em”, Mitch Campbell nói.

Những bộ phim hoạt hình thuộc dự án #VictoryPages - được hãng tin RT ra mắt trên 5 nền tảng truyền thông xã hội vào tháng 1 - nhằm kỷ niệm 75 năm Thế chiến thứ 2. Dự án đang bước vào giai đoạn cuối và sẽ kéo dài đến hết tháng 5/2020.

Video: Bức tranh trận đánh trên biển của trẻ em trong Thế chiến thứ 2 được tái hiện thành phim hoạt hình thực tế ảo: (Nguồn: RT)

Hải Vân/Báo Tin tức