08:11 30/08/2021

Tranh thủ 'thời gian vàng' giãn cách để kiểm soát nhanh dịch bệnh

Tỉnh Kiên Giang huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, ngăn chặn lây lan.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình trên địa bàn phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Theo đó, tỉnh tập trung xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên địa bàn để phát hiện sớm, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly nhanh, phân loại kịp thời, điều trị phù hợp người mắc COVID-19 và chủ động phương án biện pháp phòng dịch ở từng địa phương. Các địa phương kiên quyết bảo vệ thật chắc các “vùng xanh”, cô lập các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất, kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết đang triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 4, đã tiêm khoảng 90.000 liều, đạt 59,5% kế hoạch; đồng thời khẩn trương xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV2, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến ca mắc COVID-19. Đến nay, khoảng 100.000 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, trong đó dương tính 1.376 trường hợp, ngành y tế tỉnh đang điều trị hàng trăm bệnh nhân và điều trị khỏi bệnh 628 trường hợp. Tỉnh đang chuẩn bị kế hoạch, phương án tiếp nhận sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ về địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trên cơ sở kết quả tầm soát diện rộng, tỉnh xác định cụ thể “vùng xanh”, các “vùng cam, vàng, đỏ” và từng địa phương triển khai thực hiện giải pháp phòng chống dịch bệnh linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Các địa phương cam kết giữ vững, bảo vệ “vùng xanh”, chuyển “vùng cam” sang “vùng vàng”, “vùng vàng” sang “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” và quyết tâm kiểm soát được dịch bệnh trong những ngày đầu tháng 9/2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người mắc COVID-19 đảm bảo đủ ô-xy, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở, điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ y tế cho người dân, người có triệu chứng mắc COVID-19.

Tỉnh ủy Kiên Giang giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh triển khai kế hoạch đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo phục vụ công các phòng, chống dịch bệnh; huy động nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất y tế cho công tác điều trị; rà soát cơ sở vật chất hiện có để hình thành các khu cách ly tập trung với quy mô khoảng 10.000 người, khu điều trị F0 khoảng 1.500 người.

Trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tỉnh đảm bảo an sinh xã hội là trọng yếu, bảo đảm an dân, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đến nay, tỉnh đã chi hỗ trợ hơn 101 tỷ đồng cho các đối tượng theo quy định; chi gần 13 tỷ đồng cho người bán vé số. Ngoài ra, UBND cấp xã đã tiếp nhận hồ sơ của gần 42.500 lao động tự do và đang xét đề nghị hỗ trợ.

Cùng với đó, các ngành chức năng tỉnh và địa phương đã huy động nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ, trẻ em, nhóm người yếu thế… Nhiều bếp ăn tình thương ở các địa phương thổi lửa nấu cơm hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo đang nằm viện điều trị bệnh, hộ nghèo khó khăn trong vùng cách ly, cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại các bệnh viện và lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch COVID-19. Điển hình như Bếp Tâm Lành của nhóm thiện nguyện Tâm Lành (thành phố Rạch Giá) cung cấp mỗi ngày 1.600 - 1.700 suất cơm cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố Rạch Giá; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và những người yếu thế vượt qua dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận chia sẻ: Ngoài việc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, linh hoạt phòng, chống dịch bệnh, huyện huy động nguồn lực, kêu gọi cộng đồng và nhân dân cùng chung tay, chung sức; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong vận động, hỗ trợ để không có bất cứ người dân nào thiếu ăn, không có chỗ ở, chăm lo tốt người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Qua thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở tỉnh Kiên Giang chuyển biến tích cực. Nhiều huyện, thành phố đã cơ bản khống chế được dịch bệnh; qua đánh giá có 9/15 huyện, thành phố ở mức bình thường mới; 3 huyện, thành phố ở mức nguy cơ là: huyện Giồng Riềng, thành phố Hà Tiên, thành phố Phú Quốc; 3 huyện, thành phố nguy cơ cao là: huyện Châu Thành, huyện Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá.

Lê Huy Hải (TTXVN)