11:17 07/11/2010

Tránh mất bò mới lo làm chuồng!

Mới đây, chỉ đến khi thông tin hàng loạt nhà dân, nhà xưởng ven sông Hồng thuộc các quận, huyện ở Hà Nội bỗng nhiên bị "Hà bá” nuốt chửng trong một thời gian ngắn được các cơ quan truyền thông "mục sở thị và đưa tin"...

Mới đây, chỉ đến khi thông tin hàng loạt nhà dân, nhà xưởng ven sông Hồng thuộc các quận, huyện ở Hà Nội bỗng nhiên bị "Hà bá” nuốt chửng trong một thời gian ngắn được các cơ quan truyền thông "mục sở thị và đưa tin", chính quyền cơ sở nơi xảy ra các vụ sạt lở đê, kè mới thật sự giật mình. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát sỏi, lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ đê điều tại Hà Nội đã diễn ra từ lâu. Thực trạng này không chỉ gây cản trở giao thông đường thủy, làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ bãi, đe dọa an toàn đê điều..., mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường. Đã đến lúc dóng hồi chuông cảnh tỉnh!

Báo động

Đáng báo động nhất hiện nay là tình trạng khai thác cát trái phép dọc các đoạn tuyến sông chảy qua huyện Sóc Sơn, đang gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại khu vực này; đồng thời vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa thể giải quyết... Thống kê của Công an huyện Sóc Sơn cho thấy, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 5 vụ với 5 đối tượng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn. Qua kiểm tra, hầu hết các đối tượng vi phạm, các chủ tàu đều không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ gì liên quan, nhưng ngày đêm vẫn hút cát vô tư, kiếm lời bất chính.

Ba ngôi nhà tạm ở sát đê bị lún đổ sau sự cố sạt lở địa bàn phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Huyện Sóc Sơn quản lý gần 70 km đường thủy nội địa, thuộc 3 tuyến sông chính là sông Cà Lồ, sông Công và sông Cầu. Mặc dù số lượng phương tiện thủy và bến bãi trên địa bàn không nhiều, nhưng công tác quản lý giao thông đường thủy nội địa, hoạt động khai thác cát gặp rất nhiều khó khăn. Huyện không hề cấp phép khai thác cát sỏi và cấp phép mở bến cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, nhưng dọc các tuyến sông vẫn nhan nhản bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Theo người dân sinh sống tại đây, nguyên nhân khiến nạn “cát tặc” có đất sống là do công tác quản lý bến bãi, tài nguyên ở địa phương chưa thật sự được quan tâm, hầu hết các vụ khai thác cát trái phép bị bắt giữ trong thời gian qua mới chỉ bị xử phạt hành chính và tịch thu phương tiện, nên chưa có tác dụng răn đe.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố có thêm gần 160 vụ vi phạm Luật Đê điều, nâng tổng số vụ vi phạm còn tồn tại qua nhiều năm, chưa được xử lý dứt điểm lên hơn 4.000 vụ. Riêng trong tháng 10/2010, đã có khoảng 50 vụ vi phạm hành lang an toàn đê điều bị phát hiện, nhưng đáng buồn là trong đó mới được các cơ quan chức năng xử lý, giải tỏa dứt điểm 1 vụ. Đáng chú ý là tình trạng đào đất, hút cát lấn vào thân đê; dựng lều lán, bãi chứa vật liệu xây dựng lên mái đê, thân đê trái phép; xây dựng nhà ở, công trình phụ, đốt lò gạch trong phạm vi hành lang bảo vệ đê… đang diễn biến phức tạp, do không bị xử lý dứt điểm. Các quận, huyện Tây Hồ, Thường Tín, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Đan Phượng, Sóc Sơn, Gia Lâm, Ứng Hòa... hiện có số vụ vi phạm Luật Đê điều nhiều nhất.

Dọc tuyến đê từ chân cầu Thăng Long đến địa phận xã Thọ An (huyện Đan Phượng), ở đâu có đường xuống bờ sông là ở đó có hoạt động khai thác cát. Từ trên bờ đê nhìn xuống, bờ sông như một công trường với những chiếc tàu hút cát nằm san sát, vươn cầu lăn cát vào bờ. Đó là những tàu hút cát của các doanh nghiệp, không biết có được cấp phép khai thác hay không nhưng hàng ngày cứ vô tư vươn “vòi rồng” xuống lòng sông hút cát. Chưa kể nhiều tàu hút cát lặng lẽ xuôi dòng sông, vừa đi vừa hút cát, vừa phả khói đen sì. Bên cạnh đó, việc khai thác cát cần phải có chỗ tập kết cát, neo đậu tàu cát để rồi trung chuyển. Vậy là các chủ tàu cứ vô tư san ủi tạo mặt bằng ven bờ tập kết cát. Và hệ quả đã được báo trước là suốt chiều dài đoạn tuyến bờ sông này có nhiều chỗ sạt lở nghiêm trọng, có nơi tạo thành những hố sâu, gây nguy hiểm cho người dân trồng trọt ven sông.

Tại hầu hết các tuyến đê của Hà Nội hiện nay, có thể nói sờ đâu cũng thấy vi phạm, đáng nói là tất cả vi phạm đều đang diễn ra “ngang nhiên”. Mặc dù Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt, bão Hà Nội đã rà soát, đưa các điểm khai thác cát vào quản lý, nhưng theo quan sát của chúng tôi, các vi phạm hiện đang diễn biến phức tạp. Trên tuyến đê Hữu Hồng (huyện Đan Phượng), cả tuyến đê ranh giới giữa xã Liên Hồng và xã Hồng Hà, bờ đê đã trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Hàng đống cát, sỏi, gạch, chất cao như núi, nối đuôi nhau “ngự trị” trên bờ đê nằm chờ chủ nhân đưa đi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt, bão Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 200 bãi bốc xếp, nằm trên khoảng 470 km đê sông, nhưng chỉ có hơn 30 bãi có phép, còn lại là không phép và sai phép. Có thể nói, nguy cơ gây mất an toàn hành lang bảo vệ đê, sạt lở mặt đê, thân đê và thất thoát tài nguyên khoáng sản là cực lớn.

Đình chỉ ngay các hoạt động khai thác, tập kết vật liệu trên đê

Tại các triền đê thuộc các huyện Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên…, nguy cơ gây sạt lở đê đến từ hàng trăm bãi, khu vực tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng ngay trên lòng sông, bãi sông xuất phát chính từ đội ngũ các xe tải quá khổ chở cát lưu thông ngày đêm, cày nát mặt đê, thân đê. Mặt đê tại các khu vực này không được gia cố thường xuyên, nhưng hàng ngày phải gồng mình gánh chịu những xe tải nặng chở cát sỏi qua lại, nên nguy cơ nứt, lún, sạt trượt mái đê, thân đê, kè đê luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Người dân ở các xã Ninh Sở (huyện Thường Tín), Hồng Thái, Thụy Phú (Phú Xuyên)… cho biết: Các tàu hút cát hoạt động thường xuyên với cường độ lớn đã khiến nhiều điểm kè đê tại đây bị sạt trượt. Diện tích đất trồng trọt hiện nay đang hàng ngày hàng giờ bị “Hà bá” xơi tái, trong khi nạn “cát tặc” vẫn ngày đêm hút ruỗng chân đê, chắc chắn khi có lượng mưa lớn hoặc nước đầu nguồn xả về, tai họa sẽ ụp xuống. Tình trạng này nhiều lần được người dân phản ánh đến các cơ quan chức năng, nhưng cũng nhiều lần không được khắc phục triệt để.

Mùa mưa bão năm nay chưa qua, song hiện nay, những đoạn đê sông xung yếu của Hà Nội đang ở mức độ nguy hiểm. Nguyên nhân chính là do hàng nghìn vụ vi phạm Luật Đê điều với mức độ khác nhau, cùng những yếu tố tự nhiên, khiến các hiểm họa ngày càng gia tăng. Đặc biệt là sự biến đổi của dòng chảy gây ra có thể làm sạt lở lớn các bờ đê bất cứ lúc nào. Nguy cơ sụt lún cao còn đáng báo động hơn đối với những triền đê có địa chất yếu tại những khu vực đê thuộc các huyện Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây... Điển hình là ngay trong tháng 10 vừa qua, tại khu vực bờ bãi sông Hồng (thuộc thôn Hồng Hậu, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây), hàng ngàn m2 đất ven đê sông Hồng đã bị sạt lở, khiến các cơ quan chức năng địa phương phải di dời khẩn cấp người và tài sản các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trước thực trạng trên, thành phố vừa có Công văn số 8481/UBND-NN yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đình chỉ ngay mọi hoạt động khai thác, tập kết, tích trữ cát sỏi trong phạm vi bảo vệ đê điều trên địa bàn, báo cáo thành phố trước ngày 10/11; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và các lực lượng chuyên ngành tại cơ sở khẩn trương kiểm tra, phân loại toàn bộ các hoạt động khai thác, tập kết vật liệu xây dựng ở lòng sông, bãi sông trên địa bàn; kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân hoạt động trái phép trước ngày 30/11. Theo đó, các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm nếu vẫn để tiếp diễn tình trạng khai thác, tập kết, tích trữ cát sỏi trái phép. Riêng thị xã Sơn Tây, khu vực phường Phú Thịnh mới để xảy ra tình trạng sạt lở trên chiều dài 150 m bờ sông, lấn sâu vào bờ gần 100 m, cách chân đê khoảng 30-40 m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của đê hữu Hồng, các cơ quan chức năng liên quan phải tập trung điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền. Thiết nghĩ, việc ngăn chặn các vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội đến nay cần sớm được giải quyết dứt điểm. Phải nghiêm khắc đối với những đối tượng khai thác thu lời bất chính trước khi quá muộn.

Nguyễn Tiến