03:22 02/03/2015

Tranh luận về quyền thừa kế của con dâu, con rể

Trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), quy định về thừa kế nhận được các ý kiến trái chiều về quyền thừa kế giữa cha, mẹ vợ hoặc chồng với con rể hoặc con dâu.

Quy định về thừa kế là một trong những phần quan trọng của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Hiện nhiều nội dung trong quy định này còn các ý kiến khác nhau trong đó có quyền thừa kế giữa cha, mẹ vợ hoặc chồng với con rể hoặc con dâu.

Trưởng ban Chính sách - pháp luật (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Nguyễn Thanh Cầm nhận xét, Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định rất rõ về trách nhiệm của con dâu, con rể cũng như các con đẻ đều bình đẳng trong nghĩa vụ chăm sóc đối với bố, mẹ chồng, bố, mẹ vợ. Tuy nhiên khi đề cập đến thừa kế còn thiếu phần quy định đối với con dâu, con rể.

Theo bà Nguyễn Thanh Cầm, thực tế ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, đa phần chị em phải sống cùng và phụng dưỡng bố mẹ chồng. Có nhiều trường hợp cả cuộc đời chăm sóc bố, mẹ chồng ốm đau, bệnh tật nên công sức của người con dâu là rất lớn. Nếu không bổ sung quy định này vào dự thảo luật thì sẽ thiệt thòi cho chị em phụ nữ. Bà Cầm cũng nêu lên một thực tế khác, đó là cũng có những trường hợp con dâu không hiếu thuận, không phụng dưỡng bố, mẹ chồng. “Đối với những trường hợp này thì các tổ chức chính trị xã hội cũng như tổ dân phố ở địa phương sẽ đứng ra xác nhận xem người con dâu đó có thực sự hiếu thuận hay không. Đây không phải là vấn đề bất khả thi ở Việt Nam”, bà Cầm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn nên giữ nguyên quy định hiện hành là không quy định quyền thừa kế đối với dâu, rể. Từ thực tiễn hành nghề, luật sư Trần Thị Hồng Phúc, Công ty luật Nguyễn Chiến lại cho rằng, không nên ghi nhận quy định này. Theo luật sư Phúc, thứ nhất, pháp luật dân sự truyền thống từ trước tới nay chỉ quy định quyền thừa kế cho những người có quan hệ huyết thống với nhau (trừ trường hợp con riêng của vợ/chồng sống chung với cha dượng, mẹ kế có chăm sóc nuôi dưỡng hai chiều…). Việc xây dựng pháp luật dân sự như vậy trải qua thực tiễn cuộc sống cả một quá trình dài, có sự nghiên cứu, trải nghiệm và thấy rằng quy định như vậy là ổn định đời sống xã hội.

“Thực tiễn vấn đề chia thừa kế cho những người cùng huyết thống thuộc diện và hàng thừa kế đã vô cùng phức tạp. Nếu bổ sung thêm con dâu/con rể vào thì sẽ phức tạp hơn nhiều, tranh chấp sẽ kéo dài, gây khó khăn cho cơ quan giải quyết tranh chấp, gây xáo trộn các quy định pháp luật hiện hành về thừa kế”, luật sư Phúc phân tích. Đồng thời, luật sư Phúc cũng cho rằng, xét về thực tế, con dâu/rể thực ra cũng được hưởng thừa kế gián tiếp của cha mẹ chồng/vợ khi chồng hay vợ của họ được hưởng thừa kế từ cha mẹ đẻ rồi.

Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Phùng Trung Tập, Đại học Luật Hà Nội cũng đề nghị vẫn giữ nguyên như luật hiện hành bởi thừa kế chỉ bảo vệ quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng. Quan điểm để con dâu thừa kế theo luật của bố mẹ chồng xuất phát từ góc độ bảo vệ người phụ nữ nhưng nếu thực hiện sẽ gây xáo trộn về mặt trật tự xã hội. PGS.TS Phùng Trung Tập đề xuất, nếu xét thấy dâu, rể có hiếu thì cha mẹ vợ, cha mẹ chồng nên làm di chúc cho họ hưởng tài sản nếu muốn.   


Thu Phương