07:15 21/07/2021

Tránh hiểu lầm khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng và công ty chứng khoán

Mới đây, Bộ Tài chính có khuyến cáo đến các nhà đầu tư đặc biệt lưu ý, cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán hay ngân hàng thương mại.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi thị trường tại sàn giao dịch BVSC. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Theo giới chuyên gia, việc Bộ Tài chính khuyến cáo đến nhà đầu tư về vấn đề này là rất thiết thực, bởi lẽ công ty chứng khoán, hoặc ngân hàng thương mại chào mời mua trái phiếu của doanh nghiệp có thể gây ra những hiểu lầm, hoặc hiểu chưa đầy đủ đối với trách nhiệm của doanh nghiệp với trái phiếu phát hành.

Theo chuyên gia tài chính PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, ngân hàng và các công ty môi giới trái phiếu doanh nghiệp có thể khiến nhà đầu tư cá nhân dễ có suy nghĩ trái phiếu đã được các tổ chức này kiểm tra, thẩm định về tính an toàn nên họ mới giới thiệu đến nhà đầu tư. Sự hiểu lầm này có thể khiến nhà đầu tư an tâm hơn và ra quyết định mua trái phiếu.

“Trong khi đó, chúng ta biết rằng trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ năm ngoái cho đến nay đang gặp rất nhiều vấn đề, thậm chí có cả các loại trái phiếu “3 không” -  không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Thực tế, theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2021, có khoảng 72,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, chủ yếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán. Trong nhóm trái phiếu bất động sản, có 19,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm.

Như vậy, rõ ràng sự hiểu lầm của nhà đầu tư dẫn đến rủi ro rất cao. Vì thế, dù trái phiếu do các công ty chứng khoán và ngân hàng giới thiệu thì nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng. Bởi khi mua trái phiếu tức là nhà đầu tư cho doanh nghiệp vay tiền, chứ không phải cho ngân hàng vay tiền. Ngân hàng, hay công ty chứng khoán chỉ môi giới và kiếm hoa hồng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.

Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường trái phiếu Việt Nam mới phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây nên các nhà đầu tư chưa có hiểu biết đầy đủ, mới chỉ nhận thấy rằng khi mua trái phiếu doanh nghiệp thì trách nhiệm của doanh nghiệp là phải trả nợ. Thực tế nếu doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, nhà đầu tư có thể mất trắng vốn.

Ngay kể cả trái phiếu có đảm bảo, nhưng khi doanh nghiệp phá sản thì tài sản đảm bảo đó còn để xử lý rất nhiều việc trước khi đến được phần của người cho vay, tức là người mua trái phiếu. Vì vậy, chuyên gia tài chính PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị nhà đầu tư phải cẩn trọng trong việc mua trái phiếu, nắm rõ và tình hình tài chính thực của doanh nghiệp phát hành thì mới nên đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, các công ty chứng khoán và ngân là trung gian môi giới trái phiếu doanh nghiệp là do các đơn vị này có thuận lợi trong vấn đề phát hành.

Rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng, công ty chứng khoán hỗ trợ vấn đề phát hành do họ nắm được tất cả các quy định về phát hành. Ngân hàng hoặc công ty chứng khoán sẽ có cam kết phân phối hoặc cam kết bảo lãnh trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Cam kết phân phối ở đây có nghĩa là họ bảo đảm cho nhà phát hành sẽ bán hết trái phiếu, trong trường hợp không bán hết thì chính các ngân hàng, hoặc công ty chứng khoán sẽ mua trái phiếu đó cho công ty phát hành.

Đối với cam kết bảo lãnh, nếu nhà phát hành không trả được nợ cho người mua trái phiếu thì ngân hàng đứng ra bảo lãnh trả nợ. Tuy nhiên hiện nay, trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh phát hành ít hơn nhiều so với việc bảo lãnh phân phối.

Việc cam kết phân phối khiến ngân hàng, hoặc công ty chứng khoán mong muốn bán rộng rãi và có thể bán hết trái phiếu để họ không bắt buộc phải mua trái phiếu của nhà phát hành.

Việc bảo lãnh thanh toán cũng vậy, ngân hàng muốn tất cả những trái phiếu này được bán hết để được hưởng hoa hồng bảo lãnh.

“Thành ra có thể những ngân hàng và các công ty chứng khoán có lợi ích chia phần trong việc phát hành trái phiếu, chính vì thế họ giới thiệu trái phiếu đó cho khách hàng”, ông Hiếu nói.

Do đó, việc cảnh báo đầu tư cẩn trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp qua các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán hay ngân hàng thương mại của Bộ Tài chính  là rất hợp lý. Bởi, khi các ngân hàng và các công ty chứng khoán mà có phần lợi ích trong đó thì việc họ giới thiệu là đương nhiên. Nếu khách hàng chỉ tin tưởng vào sự giới thiệu đó và không có tư vấn khác, cùng đó lại không có khả năng phân tích tình hình tài chính của các tổ chức phát hành thì độ rủi ro khi mua trái phiếu sẽ rất cao.

Công ty chứng khoán và ngân hàng nếu chỉ là bên giới thiệu nên họ sẽ vô can khi có vấn đề xảy ra. Ví dụ như nhà phát hành đó về sau vỡ nợ hoặc không có khả năng trả nợ trái phiếu đó thì nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro hoàn toàn.

Trừ trường hợp ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán, khi nhà phát hành không trả được nợ, ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho nhà phát hành. Vì vậy, nhà đầu tư nên mua trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng sẽ chắc chắn hơn.

Thực tế, mới đây Bộ Tài chính đã có khuyến nghị đến nhà đầu tư đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý việc các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Bộ Tài chính cũng có khuyến cáo với tổ chức cung cấp dịch vụ phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp nêu rõ quyền và trách nhiệm của từng bên; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu đối với từng đợt phát hành, tuân thủ quy định của pháp luật về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ phải cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư về tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, điều kiện, điều khoản của trái phiếu, các cam kết kèm theo của doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ đối với trái phiếu.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu không chào mời nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp bằng mọi giá; khi phân phối trái phiếu doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về rủi ro của trái phiếu và quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, không để nhà đầu tư nhầm hiểu là trái phiếu sẽ được tổ chức phân phối trái phiếu đảm bảo được mọi rủi ro.

Về tình hình thị trường, theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Điều này cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng, đây là tín hiệu tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Văn Giáp (TTXVN)