05:14 25/05/2019

Tranh cãi tại BOT cầu Vàm Cống: Đại biểu Quốc hội đề nghị ‘đi bao nhiêu, tính tiền bấy nhiêu’

Cho rằng việc di dời trạm sẽ tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân và Phạm Văn Hòa đề nghị phát vé “đi ít trả tiền ít” cho những xe chỉ đi vào trăm mét qua Trạm thu phí T2 cầu Vàm Cống.

Ngay sau khi cầu Vàm Cống được khánh thành ngày 19/5 vừa qua (thay thế phà Vàm Cống) kết nối các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ, nhiều lái xe qua đây đã liên tục phản ứng về mức thu phí cũng như vị trí đặt Trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91. Các lái xe cho rằng, vị trí đặt trạm như hiện nay là bất hợp lý.

Nguyên nhân được các lái xe đưa ra là họ đi từ tỉnh An Giang để qua ngã 3 Lộ Tẻ, rẽ vào Quốc lộ 80 để lên cầu Vàm Cống hoặc đi Rạch Giá (Kiên Giang) thì quãng đường sử dụng Quốc lộ 91 chỉ khoảng 300m nhưng vẫn phải trả tiền cho toàn tuyến, tối thiểu 35.000 đồng.

Điều này không hợp lý nên họ không đồng ý mua vé. Các lái xe kiến nghị dời trạm BOT này hoặc áp dụng đi đoạn đường bao nhiêu thì tính phí bấy nhiêu.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên lề hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng phương án dành cho các xe đi đoạn đường ngắn là phát vé để chứng nhận xe đó chỉ đi đoạn đường ngắn, thu 2.000 đồng/lượt là vừa. Đây là phương án tốt nhất. Điều này đáp ứng nguyện vọng chung của người dân.

“Đây là vấn đề đơn giản nên Bộ Giao thông – Vận tải phải sớm xử lý. Nên có buổi ngồi lại làm việc với nhau giữa các Sở Giao thông – Vận tải, các tỉnh, TP khu vực đó như Cần Thơ, An Giang, cùng với Bộ Giao thông – Vận tải để sớm có phương án tốt nhất”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Liên quan đến đề xuất di dời trạm BOT, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng phải cần thời gian nghiên cứu, còn phát vé sẽ giải quyết ngay việc xe đi đoạn đường ngắn phải đóng phí rất cao.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết: Sau khi cây cầu Vàm Cống khánh thành, phương tiện giao thông đi lại rất nhiều. Trước đó phải đi qua phà Vàm Cống thì không phải đi qua trạm đó, nhưng nay cầu xong rồi thì tài xế phải đi qua trạm. Việc đóng phí cao ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên người dân ở đó phản ánh.

“Theo tôi trạm BOT nơi đó nên giữ lại vì nếu dời đi thì rất tốn tiền của. Khi doanh nghiệp đặt trạm ở đó thì đã thỏa thuận với địa phương, được sự thống nhất của Bộ Giao thông – Vận tải, nếu dời đi sẽ ảnh hưởng quyền lợi của doanh nghiệp”, ông Hòa nêu ý kiến.

Video kiến nghị của đại biểu Phạm Văn Hòa:

Vấn đề trạm BOT phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải nên bàn với chủ đầu tư và UBND tỉnh An Giang để giảm giá tại trạm BOT thì sẽ hợp tình hợp lý hơn. Đi bao nhiêu mét tính tỷ lệ tiền bấy nhiêu.

Trạm BOT T2 của Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, thu phí hoàn vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 91 và 91B.

 

Bài, ảnh, video: Hoàng Dương/Báo Tin tức