11:09 09/11/2019

'Trắng' hành lang pháp lý về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ tự kỷ

Hiện nay, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ đã có một số quy định, nhưng chưa cho thấy sự kết nối chặt chẽ, tạo thành hành lang pháp lý thống nhất giữa các bên liên quan như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào Tạo… Điều này đã tạo nên “mảnh đất vàng” cho những trung tâm lấy danh nghĩa giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt để kiếm tiền trên nỗi đau của những đứa trẻ không may mắn.

Học phí đắt đỏ

Chị N.T.N (phố Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) có con được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ. Chị đã qua 9 trường học ở Hà Nội với mong muốn con được học hòa nhập cùng các bạn. “Các trường thường đề nghị gia đình phải có một giáo viên đi kèm. Điều này bất khả thi bởi bên cạnh tiền học 4 triệu đồng/tháng, tôi không đủ tiền để thuê thêm một giáo viên đi kèm với chi phí 9 - 10 triệu đồng/tháng”- chị N tâm sự. Đứng trước sự lựa chọn phải liên tục chuyển trường, hoặc bỏ ra số tiền 15 - 20 triệu đồng/tháng để con có giáo viên chuyên biệt hoặc hoà nhập, chị N. gần như bế tắc.

Chú thích ảnh
Rất cần chính sách có hệ thống cho trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh: TTXVN

Có một thực tế hiện nay  là chưa có trường, lớp chính quy nào được sự cho phép của nhà nước dành riêng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Còn biên chế cho giáo viên dạy trẻ tự kỷ trong các trường phổ thông công lập thì không có.

Không hòa nhập được tại các trường phổ thông bình thường, những trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ nặng như không điều khiển được hành vi, thường được gia đình đưa đến các trung tâm được quảng cáo là giáo viên đến từ các trường đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP Hồ Chí Minh hay các chuyên gia áp dụng các liệu pháp tâm lý trị liệu từ các nước như Mỹ, Úc, Nhật… Chi phí cho mỗi trẻ tại đây không dưới 10 triệu đồng/tháng.  

Theo một thống kê của ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội hiện có khoảng 200 trung tâm, tổ chức, cá nhân có dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ, dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, đối lập với con số đáng được ghi nhận này lại là tin buồn về sự chênh lệch lớn giữa những dòng quảng cáo và chất lượng thực sự của các trung tâm.

TS Đinh Nguyễn Trang Thu, Giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trung tâm là không có. Phụ huynh nào may mắn tìm được trung tâm tốt thì  con được hưởng lợi. Nhiều trường hợp đưa đến không đúng nơi, một thời gian sau gặp bất cập. Lúc này, điều thiệt thòi nhất là đứa trẻ đã qua giai đoạn vàng được can thiệp và phụ huynh thì mất niềm tin”.  

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ để đảm bảo quyền của trẻ em; kiến nghị các giải pháp tăng cường trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.

Theo TS Đinh Nguyễn Trang Thu: Cái khổ của phụ huynh hiện nay là không biết lựa chọn trung tâm nào chất lượng. Các trung tâm hoạt động đều có giấy phép nhưng cũng có những trung tâm chỉ mang tính tự phát.

Gần đây nhất là vụ việc tại Trung tâm Tâm Việt (Hà Nội) với lời quảng cáo đào tạo trẻ rối loạn phổ tự kỷ thành kỷ lục gia. Rất nhiều phụ huynh có con tự kỷ bị thu hút bởi những quảng bá hấp dẫn. Tuy nhiên, chỉ khi báo chí đăng tin, nhiều người mới “ngã ngửa” bởi thực trạng việc chăm sóc và đào tạo tại đây không như quảng cáo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, Công an thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đang điều tra và xác minh sự việc này.  

Những mảnh ghép lỏng lẻo  

Hiện nay, trẻ em và người lớn bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được xếp vào danh mục người khuyết tật.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuẩn hoá giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và giáo dục đối với đối tượng khuyết tật trí tuệ, tâm thần, rối loạn phổ tự kỷ cần có sự phối hợp giữa các bên. Cụ thể, Bộ GD&ĐT nghiên cứu trong nhà trường, giáo dục chuyên biệt hay hoà nhập. Bộ Y tế phải đưa ra thang bảng, theo Luật người khuyết tật để xác định mức độ khuyết tật trẻ em, tâm thần, trí tuệ, trong đó có mức độ khuyết tật, triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhưng đến nay Bộ Y tế chưa đưa ra tiêu chí đánh giá mức độ đó. Tại phiên họp Uỷ ban Quốc gia về trẻ em vừa qua, lãnh đạo giao Bộ Y tế thực hiện nhưng vẫn chưa có.  

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng những thang bảng đánh giá về tâm lý, tâm thần, về các dạng bệnh rất cần Bộ Y tế đưa ra để làm căn cứ bảo vệ trẻ, đặc biệt trong các vụ xâm hại. Tuy nhiên, giám định về mặt y tế về lĩnh vực này đến nay còn lúng túng. Còn Bộ GD&ĐT - đơn vị góp phần hoàn thiện những chính sách đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ thì vẫn chưa có thông tin cụ thể về vấn đề này.

TS Đinh Nguyễn Trang Thu cho biết: “Rối loạn phổ tự kỷ đi theo suốt đời những ai mắc phải. Giáo dục hay y tế đều không thể làm được một tay mà phải kết hợp giữa các ngành. Việt Nam đã có các nhà chuyên môn, tâm lý giáo dục, bác sĩ, giáo viên hỗ trợ nhưng … thiếu người cầm trịch, thiếu sự kết nối chặt chẽ”.  

Đề xuất về giải pháp lâu dài, TS Đinh Nguyễn Trang Thu cho rằng, các bên hữu quan cần có sự liên kết. Rất cần và càng sớm càng tốt có những trung tâm được kiểm định, được xếp hạng tiêu chuẩn. Trung tâm được mở ra với người quản lý có bằng cấp chuyên môn, có đội ngũ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn giáo dục tâm lý, giáo dục can thiệp, cơ sở vật chất. Danh sách này phải công khai với phụ huynh, xã hội.  

Cô Phí Thị Thuỷ, Học viên cao học Khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm Hà Nội:  
Cần mã ngành cho đào tạo sinh viên ngành giáo dục đặc biệt
 
Sinh viên tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt khi ra trường chưa có mã ngành đào tạo, chưa có chứng chỉ hành nghề. Khi muốn xin việc ở cơ quan nhà nước hay các trường học rất khó khăn. Bản thân tôi ra trường được 3 năm nay vẫn đang dạy can thiệp tại nhà  cho các học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Rất mong ngành giáo dục ban hành mã ngành đào tạo để sinh viên được thuận lợi trong việc tìm việc làm.  
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Cung cấp danh sách các trung tâm được kiểm định
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang giao Cục Bảo trợ xã hội xây dựng quy trình giám sát hoạt động của các trung tâm dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ.   Cần làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan đến việc đưa ra tiêu chí xác định mức độ, áp dụng chính sách, quy trình tiêu chuẩn hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc khuyết tật, đặc biệt khuyết tật về mặt tâm thần, kể cả cá nhân cung cấp dịch vụ.  Cơ quan nhà nước phải đưa ra quy trình về hành nghề, khuyến nghị phụ huynh nhận biết về các dấu hiệu vi phạm hành nghề, vi phạm tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó là  kiểm tra hoạt động, nếu không đúng thì yêu cầu dừng hoạt động.  Cần quy định rõ ai sẽ là người được chăm sóc trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Những người đào tạo như thế nào được chăm sóc trẻ?    
Lê Vân/ Báo Tin tức